Tại phiên chất chiều nay (6/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục trả lời các câu hỏi cũng như làm rõ các vấn đề đang tranh luận liên quan đến nhóm lĩnh vực ngân hàng.
Trước đó, cuối phiên sáng, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên chất vấn về tín dụng cho các dự án BOT, nhất là dự án BOT giao thông.
Theo ông Thắng, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn bởi bên cạnh nguồn vốn ngân sách cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên, các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công.
"Một trong các nguyên nhân là do huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn", đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói và đề nghị Ngân hàng Nhà nước nêu giải pháp để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, nhu cầu vốn cho dự án hạ tầng giao thông cần khối lượng lớn, kỳ hạn vay dài. Trong khi vốn của ngân hàng là ngắn hạn, nên việc cho vay khối lượng lớn, dài hạn bị ràng buộc bởi các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
"Tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng. Sự đổ vỡ của nhiều ngân hàng tại Mỹ thời gian qua là ví dụ điển hình", bà Hồng nói.
Thống đốc thông tin thêm, tính đến ngày 30/9/2023, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông với tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 3,83%, còn nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%. Nợ nhóm 2 là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu.
"Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài", Thống đốc lý giải.
Trả lời thêm về tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về việc đang có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang bị kiểm soát đặc biệt, "liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng đề án là vấn đề khó, phức tạp và chưa có tiền lệ trong khi kinh nghiệm cán bộ tham gia xây dựng là chưa có kinh nghiệm. Việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tự nguyện cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để có sự đồng thuận.
Đối với các ngân hàng này, Thống đốc cho biết đã xin các cấp có thẩm quyền về chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.