Đầu năm, Ban chấp hành Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã thống nhất điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu hạt điều năm 2023 ở mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.
Giá xuất khẩu điều nhân sụt giảm
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8/2023 xuất khẩu hạt điều đạt 60.584 tấn, với kim ngạch 333,834 triệu USD, tăng 10,8 về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng trước đó. Cộng dồn 8 tháng xuất khẩu hạt điều đạt 395.598 tấn, với kim ngạch 2,27 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 11,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 5.510 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 7/2023 và giảm 5,7% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.760 USD/tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, giá điều nhân xuất khẩu đang ở mức thấp nhất lịch sử của ngành điều.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Thường trực Vinacas cho biết, có khả năng năm 2023 ngành điều sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD, thậm chí vượt. Vì theo truyền thống, quý cuối năm luôn là thời điểm xuất khẩu tốt nhất do các nhiều yếu tố liên quan như Tết dương lịch và Tết âm lịch, nhu cầu giao dịch cuối năm thường tăng cao, cũng là lúc các công ty thúc đẩy xuất khẩu để hoàn thành nghĩa vụ, chỉ tiêu lấy doanh thu, lấy lợi nhuận cho một năm kinh doanh đạt được kết quả cao nhất.
“Chúng tôi cảm thấy vui vì đầu năm khó khăn nhưng thời gian gần đây thị trường có những đột biến tốt. Theo tiến độ xuất khẩu như hiện nay và nếu không có những bất khả kháng xảy ra thì mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD có thể đạt thậm chí vượt”, ông Khánh Nhựt nói.
Khuyến cáo doanh nghiệp không ký hợp đồng bán trước
Theo Phó chủ tịch Thường trực Vinacas, dù 8 tháng đầu năm xuất khẩu điều nhân tăng 15,5% về lượng và tăng 11,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn chưa thể nói ngành điều đã thoát khỏi khó khăn, bởi thực tế giá nguyên liệu mua vào vẫn còn cao trong khi người mua điều nhân nước ngoài chưa chịu đẩy giá lên theo mong muốn của nhà xuất khẩu Việt Nam, dù các đơn hàng đang nhiều hơn trước.
“Ngành điều đã trải qua một thời gian khó khăn và các nhà máy vẫn đang cố gắng duy trì lực lượng công nhân, chờ thị trường hồi phục lại có sẵn nguồn công nhân tốt để tiếp tục sản xuất. Mặt khác, giữ được nguồn nguyên liệu thô lẫn nguồn khách bán điều nhân, vậy nên các doanh nghiệp đang “gồng” mình giữ mối quan hệ bên mua cũng như bên bán hài hòa đến hết năm nay, và kỳ vọng năm sau có thể có những bù đắp lại”, Phó chủ tịch Thường trực Vinacas nói.
Chính vì giá điều nhân đang thấp nhất trong lịch sử giao dịch, nên có một số thương nhân nước ngoài đã chào giá cho đơn hàng trong các tháng 01, 02 và 03/2024, và giao hàng trong tháng 2 và tháng 3 nhưng khi đó chưa vào vụ thu hoạch điều, nguồn cung khan hiếm có thể giá điều thô bị đẩy lên rất cao. Trước tình hình này hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp không nên ký hợp đồng bán trước sẽ dễ có nguy cơ thua lỗ.
Bàn về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành điều, dự báo tình hình thị trường trong năm 2024, theo Phó chủ tịch Thường trực Vinacas, hiện vẫn chưa có cơ sở để có thể tuyên bố rằng năm sau sẽ "dễ thở" hay là thuận lợi hơn cho ngành điều.
Mặc dù đạt mục tiêu xuất khẩu nhưng nếu xét về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì chắc không có, vì tới thời điểm này nếu tính theo mặt bằng chung thì tỷ lệ mà các nhà máy đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động do không thuận lợi trong giao dịch vẫn còn khá nhiều. Điều đó chứng tỏ rằng sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, nếu sản xuất kinh doanh có hiệu quả chắc chắn họ vẫn đang hoạt động đều đặn và có thể là phát sinh thêm một số cơ sở thành lập mới.