Trong những ngày đầu tháng 2/2024, giá sắn tươi trên cả nước vẫn đứng ở mức cao. Một số nhà máy sắn có xu hướng bán chậm lại vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, do lo ngại tiến độ nhận hàng tại các cảng, cửa khẩu chậm hơn, đồng thời kỳ vọng giá tinh bột sắn sẽ tăng sau Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, giá sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc trả giá thấp và nhu cầu mua yếu, trong khi đó giá sắn tươi vẫn bị đẩy lên cao, khoảng 3.700 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thiều, Giám đốc Công ty TNHH Trường Hưng cho biết, sắn Campuchia thu hoạch từ tháng 8 còn 2 tháng nữa sẽ hết vụ, lượng sắn tươi về rất nhiều và giá đang bị đẩy lên cao khoảng 3.700 đồng/kg.
Trong khi đó, sắn ở Tây Ninh còn 3 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch, nên các doanh nghiệp ở Tây Ninh mua sắn từ Campuchia để sản xuất, và sắn Campuchia cũng sắp hết vụ nên giá vẫn rất cao. Giá sắn tươi cao nhưng thương nhân Trung Quốc muốn mua bột sắn thấp hơn so với giá trước Tết Nguyên đán nên có khó khăn.
“Trước Tết do nhu cầu nên thương nhân Trung Quốc sẵn sàng mua giá cao bất thường như vậy, từ 540-550 USD/tấn, giờ họ đã mua đủ rồi nên ngưng mua nhưng nông dân vẫn bám vào giá bán trước đây không giảm giá. Bây giờ ai cần mua quá bỏ giá cao thì họ bán”, ông Thiều nói.
Trong điều kiện giá sắn tươi nội địa tăng cao trong khi giá bột sắn thấp doanh nghiệp không thể cân đối khiến họ gặp khó khăn, dù vậy doanh nghiệp vẫn phải mua nguyên liệu với lượng thấp để nhà máy hoạt động duy trì hoạt động và công nhân có việc làm.
“Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam (chiếm 95,06% về lượng và chiếm 94,05% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn). Do vậy, giá bột sắn của Việt Nam nằm trong tay các thương nhân Trung Quốc, vì là nhà nhập khẩu chủ lực nên họ là tác nhân chính tác động lên giá bột sắn của Việt Nam và Thái Lan”, ông Thiều chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với nguồn nguyên liệu sắn nội địa, Tây Ninh còn nhập một lượng lớn sắn tươi từ Campuchia.
“Nói cho công bằng thì sắn vẫn là ngành nhập thô, xuất tinh và đem lại ngoại tệ nhờ lực lượng hùng hậu các nhà máy chế biến. Hiện Tây Ninh có 68 nhà máy chế biến sắn (chiếm hơn phân nửa so cả nước) với tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm; trong đó, có 6 nhà máy chế biến sâu (bột biến tính và mạch nha). Đây cũng là nguyên nhân giúp sắn có đầu ra ổn định.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai (sau Thái Lan đạt 4,86 triệu tấn) cho Trung Quốc với 722,79 nghìn tấn, trị giá 198,38 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 18,7% về trị giá so với năm 2022. Việt Nam chiếm 12,88% về lượng và chiếm 12,78% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 3,31 triệu tấn bột sắn, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 23,1% về lượng và giảm 22,7% về trị giá so với năm 2022. Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ 2 với 1,04 triệu tấn, trị giá 518,21 triệu USD, giảm 35,5% về lượng và giảm 35,6% về trị giá so với năm 2022. Chiếm 31,42% về lượng và chiếm 30,39% về trị giá, thấp hơn nhiều so với năm 2022.