Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo kết quả cuối cùng đợt rà soát POR19, Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg; 5 doanh nghiệp khác là: Công ty CP XNK Thuỷ sản Cần Thơ (Caseamex), Công ty CP Thủy sản Lộc Kim Chi (Lộc Kim Chi), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI), Công ty CP Hùng Vương (Hùng Vương), Công ty CP Thủy sản Cafatex (Cafatex) đều có mức thuế chống phá giá 0,18 USD/kg. Mức thuế chống phá giá chung mà DOC áp cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong đợt rà soát này là 2,39 USD/kg.
So với kết quả rà soát sơ bộ POR 19 được công bố vào tháng 9/2023 thì mức thuế cuối cùng POR19 cao hơn 0,04 USD/kg. Tuy nhiên, nhìn chung, mức thuế chống phá giá POR19 đã giảm đáng kể so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR18 trước đó. Đây là tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian tới.
Lần đầu tiên có thêm 4 công ty tham gia xuất khẩu phi lê cá tra vào thị trường Mỹ
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, trong kỳ rà soát hành chính trước có 5 công ty được hưởng thuế suất 0%, là Vĩnh Hoàn, Caseamex, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods (Nha Trang) và Công ty Cổ phần Nam Việt. Tuy nhiên, kỳ POR19 này Caseamex bị điều chỉnh mức thuế suất lên 0,18 USD/kg, và có thêm 4 công ty khác là Lộc Kim Chi, IDI, Hùng Vương, Cafatex hưởng mức thuế suất 0,18 USD/kg, bằng với Caseamex.
“Trước đây có 5 công ty được DOC tính mức thuế suất 0% là Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nha Trang, Caseamex và Nam Việt xuất khẩu vào Mỹ. Lần POR19 này, DOC chọn bị đơn bắt buộc là Vĩnh Hoàn và Caseamex, đến khi có kết quả cuối cùng thì Vĩnh Hoàn vẫn được hưởng thuế suất 0,00 USD/kg, Caseamex bị điều chỉnh mức lên 0,18 USD/kg. Các công ty Lộc Kim Chi, IDI, Hùng Vương và Cafatex lâu nay không bán vào Mỹ, bây giờ với mức thuế mới này chúng ta có thêm 4 công ty có khả năng xuất khẩu phi lê cá tra vào Mỹ”, ông Hòe nói.
Theo ông Hòe, vấn đề này không có gì mới, tuy nhiên, do ảnh hưởng khủng hoảng ở Trung Đông khiến xuất khẩu thủy sản sang Mỹ khó khăn về logistics, nay thuế suất vào Mỹ tăng lên 0,04 USD/kg và với lượng xuất khẩu lớn thì con số này không hề nhỏ.
Song, chủ yếu vẫn là thị trường, khi thị trường có nhu cầu thì nhà nhập khẩu sẽ điều chỉnh và mua vào, dù vậy, mức thuế phải ở mức độ chấp nhận được, nếu cao quá thì nhà nhập khẩu sẽ có tính toán và có thể giảm mua.
Giữ chất lượng hàng hóa luôn ổn định, đúng tiêu chuẩn thị trường và buôn bán nghiêm túc sẽ thắng ở mọi thị trường
Những công ty có mức thuế suất thấp có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên, do luật thuế của Mỹ không giống như các nước khác nên không thể coi xuất khẩu sang Mỹ là kể như xong. Thực chất, mục đích của DOC là xem xét lại mức thuế chính xác là bao nhiêu so với mức thuế tạm tính để điều chỉnh cho phù hợp.
Ví dụ, IDI đang có mức thuế là 0,18 USD/kg, không có nghĩa là các lô hàng tiếp theo của họ sẽ chịu mức thuế là 0,18 USD/kg mà chỉ tạm thời đóng với mức thuế này, sau đó đến kỳ POR20, IDI sẽ có một kết quả mới và lúc đó có thể thuế suất của họ bằng không. Như vậy, những lô hàng này IDI chỉ đóng 0% và phía Mỹ sẽ trả lại phần thuế 0,18 USD/kg mà trước đây họ đã đóng. Nhưng nếu đến kỳ POR20, sau khi xem xét lại mức thuế tăng lên 0,28 USD/kg, thì công ty này phải đóng thêm số tiền thuế chênh lệch cho đủ mức thuế 0,28 USD/kg. Và câu chuyện này sẽ diễn ra hàng năm.
“Theo tháng kỷ niệm của vụ kiện chống bán phá giá cá tra lần đầu tiên là vào tháng 8, nên cứ vào tháng 8 hàng năm DOC xem xét cho mỗi kỳ rà soát để xác định mức thuế là bao nhiêu. Kỳ POR19 được tính từ ngày 01/8/2021 đến ngày 31/7/2022. Sau 19 lần trải qua các kỳ rà soát hành chính các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không còn lạ lẫm với các tính thuế của DOC, và bản thân thị trường cũng sẽ tự động tìm điểm cân bằng, nhưng điều quan trọng là doanh nghiệp phải giữ sao cho chất lượng hàng hóa luôn ổn định và theo đúng tiêu chuẩn thị trường, cùng với tinh thần buôn bán nghiêm túc sẽ thắng ở các thị trường không riêng thị trường Mỹ”, Tổng thư ký VSAEP nhấn mạnh.
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024 sẽ phục hồi kể cả ở thị trường Mỹ do nhu cầu tăng. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ tăng, nhưng thủy sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nhà cung cấp khác, ví dụ như tôm của Ecuador và Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2024 ước đạt 685 triệu USD, tăng 49% so với tháng trước đó, nhưng giảm 10,67% so với tháng 3/2023. Lũy kế, xuất khẩu thủy sản quý I/2024 đạt 1,9 tỷ USD tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,1 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 1,56 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 17,14%, giảm gần 27% so với năm 2022. Dù xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ có giảm nhưng vẫn cao hơn giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 1,51 tỷ USD và 1,34 tỷ USD.