Những thành tựu lớn nhất của ngoại giao kinh tế Việt Nam trong năm 2023, cũng như những nội dung trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian tới với các nước đối tác, đặc biệt là Mỹ, là nội dung cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Phạm Quang Vinh.
Theo ông, đâu là những thành tựu của ngoại giao kinh tế nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2023?
2023 là một năm có nhiều bất lợi cho hợp tác và phát triển của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Các yếu tố bất ổn, bấp bênh và đứt gãy chuỗi cung ứng nổi bật trong năm vừa qua, do cạnh tranh nước lớn, hoặc cũng có thể do hậu quả còn lại của dịch bệnh và câu chuyện từ căng thẳng Ukraine hay Trung Đông.
Ngoài ra có những sự chuyển dịch rất lớn, từ việc đa dạng chuỗi cung ứng, đa dạng hóa, tìm những bến đỗ an toàn, bền vững hơn. Bên cạnh đó, phải kể đến nhiều xu thế phát triển mới như tăng trưởng dựa trên công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Nền kinh tế thế giới chứng kiến những vận động căn bản và rất lớn như vậy.
Nhìn từ bức tranh chung, Việt Nam đã giải quyết được câu chuyện cấp bách là nối lại các hoạt động kinh tế, hợp tác với các nước để phục vụ cho sự phục hồi sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất nhập khẩu và sản xuất đã bắt kịp được ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Tăng trưởng thương mại của Việt Nam dù chưa được như trước đại dịch nhưng ở ngưỡng tăng trưởng cao.
Đối ngoại và hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng đã giúp cho Việt Nam giữ được ổn định chuỗi cung ứng, trong đó có câu chuyện về an ninh năng lượng.
Từ năm 2022 đến nay, thế giới vẫn đương đầu với những đứt gãy trong chuỗi cung ứng năng lượng, lương thực cũng như các loại nhu yếu phẩm khác, nhưng Việt Nam vẫn vững vàng. Điểm nhấn này thực sự quan trọng bởi nhiều nước khác đã lâm vào khủng hoảng, trong đó nổi bật nhất có cả một số nước châu Âu. Cho đến năm nay, tình hình chuỗi cung ứng tại nhiều nước vẫn chỉ ở mức tạm bình ổn, chưa thể nói là vững chắc.
Việt Nam đã tranh thủ được thành quả của hội nhập đã có, ngay sau đại dịch, Việt Nam đã phát huy lợi thế này rất nhanh nhạy, đặc biệt phải kể đến những thỏa thuận và dàn xếp về hiệp định thương mại tự do (FTAs) để có thể tiếp tục hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển thương mại của khu vực và đất nước.
Trong khi nhiều đối tác thương mại chủ chốt vẫn tiếp tục gặp khó khăn, Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc không phải ngoại lệ, Việt Nam rất thiếu những hợp đồng mới, tuy nhiên Việt Nam tận dụng tốt lợi thế của CPTPP, EVFTA và những dàn xếp thương mại khác để tranh thủ giữ được cầu của những thị trường này ở mức cao nhất có thể. Xuất khẩu và thương mại đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tỷ trọng của xuất nhập khẩu trong tăng trưởng của GDP rất lớn.
Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào “cuộc chơi” chất lượng cao và bền vững hơn. Điều này thể hiện ở những điểm: Việt Nam có cam kết chính trị cao liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính để phục vụ cho phát triển xanh và bền vững.
Những cam kết của Việt Nam rất lớn và Việt Nam cũng rất chủ động với các nước để vừa tận dụng được nguồn tài chính xanh, vừa cam kết về môi trường, biến đổi khí hậu. Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra quy chuẩn: nếu muốn vào thị trường của họ thì phải chấp nhận những điều kiện về môi trường cũng như giảm khí thải. Việt Nam đã đi những bước đầu rất vững chắc trong tiến trình này và sẽ tiếp tục trong năm 2024 và 2025.
Việt Nam đã rất chủ động trong đổi mới, sáng tạo và công nghệ trong các cuộc gặp gỡ với đại diện chính phủ, doanh nghiệp, tập đoàn đến từ nhiều nước để thu hút dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip, bán dẫn. Hàng loạt động thái này mở ra tiền đề cho sự phát triển lớn trong tương lai.
2023 có thể xem là một năm đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Theo ông, đâu là những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ thương mại kinh tế giữa hai bên, cũng như còn những tồn tại gì cần phải khắc phục?
Năm 2023, Việt Nam đã chủ động tạo ra môi trường chiến lược mới tốt hơn rất nhiều cho hòa bình, hợp tác phát triển và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhìn rộng ra, Việt Nam đã phát triển rất tốt quan hệ với các đối tác chủ chốt gắn rất chặt với môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam.
Sau 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, hai nước Việt - Mỹ đã nhất trí nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện, tạo ra một giai đoạn mới, hình thành nên khuôn khổ hợp tác mới cho sự phát triển sâu sắc và cao hơn của quan hệ Việt - Mỹ nói chung, từ chính trị cho đến hợp tác trên tất cả các mặt, trong đó kinh tế, thương mại, công nghệ là một trụ cột chủ chốt.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ hai, nhưng là thị trường xuất khẩu lớn nhất, thị trường duy nhất cho đến nay đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD. Năm 2023 đánh dấu mốc mới trong việc hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới với chất lượng cao và bền vững hơn, đặc biệt lĩnh vực phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ với chuyển đổi xanh.
Những yếu tố này thể hiện rất rõ trong tuyên bố chung của hai nước khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Lần đầu tiên phía Mỹ nói rằng Mỹ sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam để Việt Nam có thể trở thành một phần trong chuỗi cung ứng công nghệ của khu vực và thế giới trong đó có cả về chip và chất bán dẫn. Diễn biến này tạo thêm nhiều cơ hội mới cho Việt Nam tham gia vào một lĩnh vực rất mới, rất cốt lõi và tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.
Năm nay, Việt Nam cùng với Mỹ và nhiều nước G7 khác nữa thúc đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ trong 28 năm vừa qua, đặc biệt trong 10 năm đối tác toàn diện, Mỹ là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam. Mặc dù hai bên đã phát triển được rất nhiều kinh tế, thương mại nhưng dư địa để tiếp tục khai thác vẫn còn rất nhiều. Hai nước bước sang giai đoạn phát triển ở chất lượng cao hơn.
Đối với ông, yếu tố chủ yếu nào lý giải việc Mỹ là đối tác quan trọng của Việt Nam?
Thặng dư thương mại của Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới ước tính khoảng 11 tỷ USD thì riêng với Mỹ là 90 tỷ USD. Như vậy nếu tính cân bằng về chuỗi cung ứng, có thể thấy Mỹ bù đắp cho Việt Nam hơn 80 tỷ thâm hụt thương mại với các nước khác. Thế giới có ba trung tâm kinh tế lớn bao gồm châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Như vậy nếu không có cán cân đầu ra là thị trường Mỹ, chắc chắn cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị lệch, như vậy có thể khẳng định đây là mắt xích rất chiến lược của Việt Nam.
Thống kê cho thấy độ mở của kinh tế Việt Nam ước tính khoảng 200%. Nếu tính con số của năm 2022, 735 tỷ USD là thương mại của Việt Nam với thế giới, 400 tỷ USD là GDP của Việt Nam theo thống kê gần nhất, như vậy có thể thấy đóng góp của thương mại, xuất nhập khẩu cho tăng trưởng GDP rất quan trọng. Nếu Việt Nam không giữ được cân bằng về kinh tế thương mại mà trong đó thị trường Mỹ là một mắt xích rất quan trọng, chắc chắn sẽ có những thách thức.
Nước Mỹ có thế mạnh lớn về công nghệ và quản lý. Tháng 3/2023, khoảng hơn 50 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, đã có quyết tâm chính trị về thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cám ơn đại sứ về những chia sẻ!