Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, một trong những chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên mạng xã hội là về "thổi nồng độ cồn". Khác với cảnh "chén chú chén anh" như những năm trước, năm nay rất nhiều người đã thẳng thừng từ chối những chén rượu, lon bia, giữ nồng độ cồn trong người bằng 0 để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thực tế, quy định về nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông không phải mới, mà đã được áp dụng từ năm 2020 thông qua Nghị định 100, nhưng phải đến 1-2 năm gần đây, việc xử phạt mới được siết chặt khi rất nhiều "chốt" thổi nồng độ cồn được lập trên đường phố.
Văn hóa bia rượu đi xuống đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ông lớn Sabeco. Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần của Sabeco chỉ đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước và xuống còn thấp hơn cả năm 2016.
Trước đó, doanh thu Sabeco đã hồi phục mạnh trở lại trong năm 2022, sau khi giảm rất mạnh năm 2020 và 2021 do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Lợi nhuận của Sabeco cũng không mấy khả quan. Mặc dù vẫn duy trì được mốc trên 4.000 tỷ đồng, nhưng con số này cũng thấp hơn hồi 2016, và giảm 23% nếu so với năm 2022.
Theo lý giải của Sabeco, bên cạnh việc siết chặt Nghị định 100, công ty còn chịu ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái. Chi phí đầu vào và chi phí quản lý của công ty cũng tăng lên trong khi phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn.
Kết quả kinh doanh đi xuống cũng ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu Sabeco trên sàn chứng khoán. Còn nhớ, ThaiBev từng chi 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) để sở hữu 53,6% cổ phần Sabeco hồi cuối năm 2017. Với giao dịch này, Thaibev định giá Sabeco hơn 205 nghìn tỷ đồng.
Thực tế, đã có thời điểm giá trị Sabeco vượt qua được con số này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty đã trượt dài trong năm 2023 và hiện chỉ còn khoảng 74,4 nghìn tỷ đồng, ngang ngửa mức đáy hồi Covid-19 mới xuất hiện trên thế giới.
Như vậy, khoản đầu tư của Thaibev đến nay đã mất khoảng 64% giá trị.
Việc giảm tiêu thụ bia rượu đang là xu hướng chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Theo tờ Forbes, quan điểm hạn chế bia rượu (NoLo- No and Low Alcohol) trong giới trẻ ngày càng gia tăng đã khiến nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Nhiều dự báo cho thấy danh mục sản phẩm đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022-2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh.
Tập đoàn bán bia lớn nhất thế giới là Anheuser Busch InBev thậm chí dự báo mảng kinh doanh bia không có cồn sẽ chiếm đến 1/5 tổng doanh số vào năm 2025. Sau khi tổng giá trị thị trường của ngành đồ uống không cồn vượt 11 tỷ USD vào năm 2022, ngày càng nhiều hãng bán bia rượu như Anheuser quyết định chuyển hướng kinh doanh cho phù hợp với thị trường.
Theo Forbes, thế hệ Gen Z ngày nay uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe khiến nhu cầu tiệu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Tại Mỹ, lượng tiêu thụ bia đã giảm xuống dưới 200 triệu thùng lần đầu tiên kể từ năm 1999. Thậm chí vào năm 2022, lần đầu tiên thị phần bia giảm xuống đứng thứ 2 sau rượu, điều chưa từng xảy ra trước đây ở Mỹ.
Trở lại với Việt Nam, không chỉ chịu tác động bởi quy định về nồng độ cồn mà ngành bia rượu có thể sẽ còn gặp khó khăn hơn nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia.
Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra sửa đổi theo hướng xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) với rượu, bia, thay vì phương pháp tương đối đang áp dụng hiện hành. Với ngành bia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng ít nhất 10% trên giá bán sản phẩm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân và điều tiết tăng thu ngân sách nhà nước.