Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 8/2023 đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước. Đồng thời đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp do nguồn cung hạn hẹp.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 2,959 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Khối EU có 4 thị trường trong top 10 thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam
EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang EU chiếm 39% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.
Trong số 1,2 triệu tấn cà phê Việt Nam xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023, riêng thị trường EU (27 nước) đạt 446.150 tấn, chiếm 37% tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam (8 tháng đầu năm 2022 chiếm 40%).
Top 10 thị trường xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu qua lần lượt là: Đức, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Algeria, Indonesia và Phippines. Riêng khối EU có đến 4 nước gồm: Đức Ý, Tây Ban Nha, Bỉ.
Trong thời gian này, xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức đạt 145.896 tấn, và giá trị 323,517 triệu USD, đưa thị trường này đứng đầu top và đứng đầu khối EU. Với lượng cà phê xuất khẩu đạt 114.030 tấn, trị giá 252,481 triệu USD, Ý trở thành thị trường lớn thứ 2 ở thị trường riêng lẻ và thị trường khối EU.
Đứng vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản đạt 79.070 tấn, với kim ngạch 219,682 triệu USD. Đứng thứ tư là thị trường Hoa Kỳ đạt 90.515 tấn, trị giá 213,752 triệu USD và đứng thứ 5 là thị trường Nga với 67.771 tấn, đạt kim ngạch 171 triệu USD.
2 thị trường khối Đông Nam Á là Indonesia và Philippines không chỉ là những thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu mà còn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 9 và thứ 10 của việt Nam. Cụ thể, lượng cà phê xuất khẩu sang Indonesia trong 8 tháng đầu năm nay đạt 30.033 tấn, trị giá 93,795 triệu USD; Philippines đạt 26.054 tấn, với kim ngạch đạt 86,535 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.963 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 7/2023 và tăng 25,8% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.455 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Cà phê Việt Nam có bị vướng cũng rất ít"
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hiện có 2 nguyên nhân tác động lên ngành hàng cà phê.
Từ tháng 7 đến tháng 8 cả tháng 9/3023, lượng xuất khẩu cà phê giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2022, do doanh nghiệp mua không được hàng hoặc mua được ít hàng, nên nhiều hợp đồng có thời gian giao hàng trong tháng 8, tháng 9 vẫn chưa giao được.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê đang xấp xỉ 70.000 đồng/kg, đây là mức giá rất cao trong nhiều năm qua. Song, điều đáng nói tại một số tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên, lượng cà phê dự trữ của người dân và một số doanh nghiệp còn rất ít do mất mùa dẫn tới nguồn cung khan hiếm, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không mua trữ cà phê như trước mà có xu hướng ký hợp đồng rồi mới mua cà phê để giao cho khách hàng.
Nguyên nhân khiến sản lượng cà phê sụt giảm là do biến đổi khí hậu làm năng suất cà phê không cao so với các năm trước. Thêm đó, những năm vừa qua giá cà phê thấp trong khi giá mặt hàng trái cây tăng cao, nhiều nông dân đã tăng diện tích trồng xen sầu riêng, măng cụt, bơ… trong các vườn cà phê cũng góp phần làm sản lượng cà phê giảm xuống.
Một vấn đề nổi lên hiện nay là quy định của EU về chống phá rừng và gây suy thoái rừng có hiệu lực từ năm 2023 và đến ngày 31/12/2024 sẽ thực hiện. Khi đó EU sẽ không nhập khẩu 7 sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cà phê cao su, dầu cọ ...
“Nếu EU lấy thời điểm ngày 31/12/2020 trở lại đây để xác định diện tích phá rừng thì cà phê Việt Nam có bị vướng cũng rất ít, vì hầu như diện tích cà phê của Việt Nam đều trồng trước thời gian này”, ông Hải nói.
Theo quy định của EU, các doanh nghiệp nhập khẩu lớn sẽ có khoảng thời gian gia hạn là 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ là 24 tháng, và khi áp dụng quy định này, các doanh nghiệp nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải truy xuất nguồn gốc tận vườn, đây là điểm yếu lớn nhất của ngành cà phê.
Các doanh nghiệp kinh doanh ngoài việc liên kết với hợp tác xã, nông dân còn mua qua đại lý nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Do vậy, rất cần Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường có hướng dẫn cụ thể về bản đồ rừng, bản đồ địa chính các địa phương thế nào và cách để tiếp cận ra sao? Tuy nhiên, đến nay ngành cà phê vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.