Lợi nhuận thấp rất khó kêu gọi nông dân giữ vườn cà phê
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết năm 2001, giá cà phê đã xuống đến mức 3.000 đồng/kg, giá cà phê xuất khẩu là 300 USD/tấn. Trước tình hình giá cà phê bấp bênh người nông dân đã phải chặt bỏ cây cà phê đi.
Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử ngành hàng cà phê, nhưng ngày nay giá cà phê đã tăng rất cao, tuần vừa qua bà con đã bán được giá 70.000 đồng/kg, so với năm 2001 giá cà phê đã tăng hơn 20 lần. Giá cà phê tại sàn London là 2.800 USD/tấn, và giá bán thực khoảng 3.000 USD/tấn, như vậy so với năm 2001 giá cà phê xuất khẩu đã tăng 10 lần.
“Sản lượng cà phê xuất khẩu trong 10 tháng qua giảm đến 10,7% nhưng giá bán lại tăng 3,4%, còn thực giá thì tăng 8%, trong khi đó tổng giá bán chênh lệch lúc tăng từ đầu vụ đến đỉnh cao nhất là tăng 70%, cho thấy giá tăng đó thực chất nhưng lợi ích cho người nông dân thì không có bao nhiêu”, Phó Chủ tịch Vicofa nói.
Ông Nam cho biết thêm, khi giá bắt đầu tăng cao, bà con ồ ạt bán ra đến khi giá cà phê tăng lên 60.000 đồng/kg thì mọi người đã bán hết sạch, nên từ tháng 5 đến tháng 9/2023 nguồn cung cà phê trên thị trường bị thiếu hụt, không ít doanh nghiệp mua không đủ hàng giao cho các hợp đồng đã ký, giữ chữ tín họ buộc phải mua giá cao hơn giá bán giao để cho khách hàng. Đây là tình trạng chưa từng xảy ra trong ngành hàng cà phê, và cũng là bài học để mọi người có cách ứng xử trong tương lai, đặc biệt là trong niên vụ 2023-2024.
Theo nhận định của nhiều người, diện tích cà phê đã giảm nhiều nên con số 720.000 ha cà phê mà Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam công bố trước đây có thể đã không còn phù hợp, và để có con số cụ thể Vicofa đang kiến nghị Bộ xem xét lại diện tích cà phê.
Vì hiện nay, cây cà phê đang bị cạnh tranh bởi ba loại cây là tiêu, bơ và sầu riêng, nhưng đối tượng cạnh tranh chính là cây sầu riêng, do lợi nhuận bà con thu về từ cây sầu riêng khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, trong khi lợi nhuận từ cây cà phê chỉ khoảng 200 triệu đồng/ha, nên rất khó kêu gọi nông dân giữ vườn cà phê.
Tình trạng thiếu cà phê nhân xuất khẩu có lặp lại trong năm 2024?
Cà phê Việt Nam mới vào vụ thu hoạch và theo Vicofa, niên vụ cà phê 2023-2024 được mùa nhưng do diện tích giảm nên sản lượng sẽ không tăng.
Trong khi đó, người nông dân cần phải bán ra để trang trải chi phí mùa vụ và nhất là Tết Nguyên đán sắp đến, nhưng người mua lại ít nên có vẻ như cung đang vượt cầu, với tâm trạng mong muốn bán được giá cao, sợ để lâu rớt giá khiến bà con càng muốn bán nhanh và bán hết lượng cà phê có trong tay. Như vậy, có đưa đến tình trạng thiếu cà phê nhân xuất khẩu như trong năm 2023?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nam cho rằng vấn đề này tùy thuộc vào quyết định của người nông dân, và có 2 trường hợp xảy ra: Nếu người dân nhận định giá cà phê còn tăng thì chỉ những người thật sự cần tiền mới bán, những người còn lại sẽ giữ cà phê lại và doanh nghiệp sẽ không lo bị thiếu cà phê xuất khẩu như niên vụ 2022-2023.
Trong trường hợp bà con nghĩ rằng giá cà phê sẽ xuống nên quyết định bán hết thì tình trạng thiếu cà phê xuất khẩu như năm nay sẽ lại xuất hiện trong năm 2024.
“Hiện tượng là vậy nhưng thực chất do nông dân đang cần tiền nên đẩy mạnh bán ra và có vẻ như giới đầu cơ đang muốn hạn chế mua để ép giá cà phê Việt Nam xuống, không phải thị trường đang dư cung. Sau Tết Nguyên đán khi nhu cầu cần tiền không còn cao bà con sẽ hạn chế bán ra, những hộ giàu trữ hàng nên có khả năng sau Tết giá cà phê sẽ tăng lại”, Phó Chủ tịch Vicofa phân tích.
Cũng theo ông Nam, ngoài thị trường chủ lực châu Âu, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 300.000 tấn cà phê nhân của Việt Nam, những người Trung Quốc sinh vào thập niên 90 của thế kỷ trước rất thích uống cà phê nên tăng trưởng tiêu thụ cà phê của nước này khoảng 35% năm. Trung Quốc đã có 4 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nhưng tình trạng thiếu hàng vẫn rất nghiêm trọng và nên họ rất cần mua cà phê Việt Nam.
“Mặc dù đã đầu tư xây dựng nhiều các nhà máy chế biến cà phê hòa tan, nhưng vẫn không đủ cung cấp, nên Trung Quốc phải nhập khẩu để bổ sung cho thị trường. Nhu cầu cà phê nhân và cà phê hòa tan của Trung Quốc đang tăng cao và nước này là thị trường gần, sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê nhân và cà phê hòa tan sang thị trường hơn tỷ dân này”, ông Nam nói.