Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 135.000 tài khoản trong tháng 11/2024, giảm hơn 20.000 tài khoản so với tháng trước. Đây là lượng tài khoản tăng thêm thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Tài khoản tăng thêm chủ yếu đến từ cá nhân trong khi tổ chức chỉ có thêm 107 tài khoản.
Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 1,86 triệu tài khoản.
Tính đến cuối tháng 11, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng gần 9,1 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán, bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Tài khoản mở mới giảm trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh trong tháng 11. VN-Index liên tiếp giảm mạnh từ đầu tháng và có thời điểm để thủng mốc 1.200 trước khi “rút chân”. Nhịp hồi cuối tháng đưa chỉ số leo trở lại lên trên 1.250 điểm, ghi nhận mức giảm 1,11% trong tháng.
Áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục gia tăng, giá trị bán ròng trên HoSE lên đến hơn 12.000 tỷ trong tháng 11. Như vậy, sau giai đoạn giảm bán, nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay xả hàng trở lại. Luỹ kế 11 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 88.000 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Dù bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Cụ thể, số lượng tài khoản của khối ngoại đã tăng 162 tài khoản trong tháng 11, thấp hơn so với con số 230 của tháng trước. Cá nhân tăng 148 tài khoản trong khi tổ chức tăng 14 tài khoản. Tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 47.598 tài khoản.
Báo cáo mới đây, Agriseco Research dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ cao hơn so với các quý trước nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước mới có quyết định điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế tháng cuối năm.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang hạ nhiệt và khối ngoại có dấu hiệu ngừng bán ròng, Agriseco cho rằng đây là giai đoạn phù hợp để giải ngân trở lại sau khi thị trường tạo đáy ngắn hạn trong tháng 11 và P/E hiện tại của VN-Index ở mức 13,0x lần, tương đối hấp dẫn khi thấp hơn so với trung bình 5 năm vừa qua.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, các đáy của VN-Index đã thiết lập chắc chắn quanh 1.200 điểm. Do vậy, trong năm nay, vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm rất mạnh.
“Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mà không thủng 1.200 điểm cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Song, vùng 1.300 điểm cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm nay chưa thể vượt qua ngay”, ông Sơn nói.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường vẫn đang giao dịch trong ngưỡng 1.200 – 1.300 điểm và test lại khu vực 1.250 điểm. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng và quay trở lại mua ròng tuần vừa qua. Điểm tích cực thứ 2 là dòng tiền nội đang trở lại nhưng vẫn tương đối thận trọng. Nhà đầu tư có thể đang chờ chỉ số DXY bình ổn hơn và tín hiệu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài chắn chắn hơn.