Xu thế tất yếu
Với nhiều ưu điểm, thanh toán thẻ ngân hàng và các ứng dụng gia tăng dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống.
Cùng với đó, thẻ ngân hàng đã có sự phát triển không ngừng. Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ an toàn, thuận tiện với trải nghiệm khách hàng vượt trội. Việt Nam lại là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn, do đó rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Vì vậy, việc tích cực thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ ngân hàng theo xu hướng số hóa, cá nhân hóa, tự động- thông minh, tăng cường bảo mật dựa trên công nghệ số, hệ sinh thái số và phân tích dữ liệu sẽ là xu hướng nổi bật và đột phá trong thời gian tới.
Phát biểu tại sự kiện họp báo công bố Ngày thẻ Việt Nam 2023 do báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) tổ chức sáng nay (20/9), ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong tiến trình tới xã hội không tiền mặt và phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Các công nghệ mới, giải pháp hiện đại trong thanh toán đang được các ngân hàng áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), xác thực sinh trắc học, phát hành thẻ kép (dual card) tích hợp đồng thời cả tính năng thẻ ghi nợ lẫn thẻ tín dụng trên cùng con chíp thẻ ngân hàng... Cùng đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng vật lý và phi vật lý bằng phương thức điện tử thông qua định danh điện tử (eKYC) nhanh chóng, an toàn, hiệu quả chi phí.
“Đây cũng là một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược tài Chính toàn diện Quốc gia và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng đến”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS nhận định, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê qua hệ thống cho thấy, đến hết quý 2/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý 2/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022.
“Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày”, Chủ tịch NAPAS nhận định.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thị trường thẻ tại Việt Nam, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử nói chung và hoạt động thẻ nói riêng đảm bảo phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thẻ ngân hàng, NHNN sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về thủ tục phát hành thẻ, định danh khách hàng qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đối tượng tham gia vào hoạt động thanh toán thẻ và các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thẻ.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, gia tăng các dịch vụ trên thẻ như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC).
Về hợp tác kết nối thanh toán xuyên biên giới, NHNN chủ động hợp tác với ngân hàng trung ương các nước mở rộng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán, nghiên cứu thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới phù hợp với xu hướng kết nối thanh toán trong khu vực đồng thời đem lại tiện ích cho người dân từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
NHNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN với Bộ Công an và các đơn vị liên quan để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, đồng thời nghiên cứu cập nhật triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh trong hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan góp phần hoàn thành mục tiêu tiến tới một xã hội không tiền mặt.