Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023, trong đó điểm đáng chú ý là việc hoãn thi hành các khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).
Bình luận về động thái trên, chuyên gia của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định, Thông tư 06 được ban hành là mục đích tốt, nhưng việc áp dụng ngay là một sự siết chặt quá mức.
“Theo đó, MSVN cho rằng, việc hoãn thi hành các điều trên là thông tin tích cực cho ngành bất động sản, giúp ngành này khả quan hơn thông qua việc dễ dàng tiếp cận vốn vay của tổ chức tín dụng trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang đói vốn như hiện nay”, MSVN đánh giá.
Theo MSVN, Thông tư 06 sẽ rõ ràng hơn cho các công ty bất động sản sau khi thị trường này đã được hình thành các khung pháp lý mới như ở Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, được kỳ vọng thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023. Lúc này các quy định, định nghĩa sẽ rõ ràng hơn và các ngân hàng cũng như công ty bất động sản có thể dễ dàng tiếp cận vốn mà không bị đánh đồng cho các doanh nghiệp phát triển tốt và xấu.
Điều MSVN quan tâm nhất ở đây là việc chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn về các dự án đủ điều kiện kinh doanh so với đủ điều kiện pháp lý. Bởi lẽ dự án khi đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, chủ đầu tư không nhất thiết đi vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao, bởi lẽ tại thời điểm này thì chủ đầu tư đã được phép mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở, CTCK Mirae Asset (MAS) đánh giá, việc ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm hoãn thi hành khoản 8, 9, 10 của Điều 8 theo Thông tư 06 là kịp thời, nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng.
“Việc hoãn thi hành các khoản trên sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hơn nữa điều này còn góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khi các nhu cầu vay vốn để góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh là rất lớn. Đối với ngành ngân hàng, điều này sẽ phần nào tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, tuy nhiên các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro hiệu quả”, chuyên gia MAS chia sẻ.
Trước đó, Khoản 2 Điều 1 Thông tư 06 quy định, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn gồm để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCOM.
Tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Tổ chức tín dụng không được cho vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay; Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Thông tư số 06 do NHNN ban hành vào ngày 28/6 và theo dự kiến ban đầu sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới đây. Với việc Thông tư 10 mới được ban hành, các điều khoản trên ngưng thi hành từ ngày 1/9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.