Tình hình kinh tế, chính trị ổn định đã mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nguồn vốn FDI, trong đó có một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như: Samsung, Amkor Technology Inc, Hana Micron (Hàn quốc); Intel, Synopsys (Mỹ); Renesas Electronics (Nhật bản); USI Electronic của Đài Loan (Trung Quốc)…
Tuy nhiên, có những quan điểm cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, đa phần các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp thành phẩm có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng.
Hiện, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix... Các công ty trong nước chỉ có VHT và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip; các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.
Dù vậy, với những thành công lớn về ngoại giao trong thời gian gần đây, những động thái chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ cũng như nỗ lực, quyết tâm cao từ phía doanh nghiệp, có nhiều lý do để tin vào triển vọng của ngành bán dẫn tại Việt Nam.
NHIỀU LỢI THẾ NỔI TRỘI
Về những lợi thế từ bên ngoài và bên trong cho sự phát triển của ngành bán dẫn, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco cho rằng, nếu nhìn từ bên ngoài, Việt Nam có nhiều lợi thế nổi trội.
Theo ông, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, với cam kết chính trị rất lớn từ phía Mỹ liên quan đến việc giúp Việt Nam thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ. Đạo luật Chất bán dẫn ra đời tháng 9/2022 đưa ra nhiều điều kiện rất ngặt nghèo liên quan đến cạnh tranh Trung – Mỹ. Trong cạnh tranh chiến lược, có yếu tố quan trọng là công nghệ, và trong đó nổi bật lên là chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Mỹ đang cạnh tranh rất quyết liệt trong những lĩnh vực này.
Cũng theo Đại sứ, một điểm thuận lợi khác của Việt Nam là có cộng đồng nhân sự gốc Việt đông đảo đang làm việc cho các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại thung lũng Silicon. Lợi thế này không nhiều nước xung quanh Việt Nam có được.
Đồng thời, nhìn từ góc độ trong nước, Việt Nam tuy là một quốc gia đang phát triển nhưng đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ mang tầm cỡ toàn cầu như FPT hay Viettel. Việt Nam có lực lượng kỹ sư công nghệ, kỹ thuật rất lớn có thể được đào tạo để tham gia vào sản xuất chất bán dẫn hoặc phát triển trí tuệ nhân tạo.
Không chỉ vậy, cam kết của Chính phủ, khát vọng của doanh nghiệp liên quan đến ngành bán dẫn ở mức rất cao, nhờ vậy sẽ có nhiều những quyết sách và hành động quyết liệt. Đồng thời, tính cạnh tranh của doanh nghiệp so với doanh nghiệp các nước khác trong khu vực ví như Singapore đối với mảng cung cấp các sản phẩm dịch vụ rất cao.
Nhìn từ góc độ lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển ngành bán dẫn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel – ông Đào Xuân Vũ, nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng.
Lý do được ông Vũ nêu ra, thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy, phát triển công nghiệp bán dẫn. Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan đang thực hiện xây dựng chính sách và các kế hoạch hành động để phát triển công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và thường xuyên đề cập đến việc hợp tác và phát triển ngành bán dẫn trong các buổi làm việc cấp cao với các lãnh đạo từ các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản...
Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực, lao động trẻ, tiềm năng, chi phí lao động hợp lý, có nền tảng tốt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam đang có lực lượng nhân sự tốt với hơn 8.000 người làm việc trong ngành bán dẫn bao gồm 5.000 kỹ sư cho công đoạn thiết kế, 3.000 kỹ sư trong công đoạn đóng gói. Việt Nam có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư trình độ cao trong ngành bán dẫn đang làm việc ở nước ngoài.
Thứ ba, Việt Nam có hệ sinh thái bán dẫn đang dần hình thành. Nhiều công ty bán dẫn lớn nhất thế giới như Samsung, Intel đã đầu tư mạnh vào Việt Nam. Đến nay có hơn 40 công ty bán dẫn nước ngoài, thành lập chi nhánh, công ty con tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa có nguồn lực lớn như Viettel, FPT có mức độ tham gia sâu sắc hơn vào ngành bán dẫn. Nhiều trường đại học Việt Nam cũng đang đào tạo bài bản về ngành bán dẫn như Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Thứ tư, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm ước tính vào khoảng 22 triệu tấn, thuộc nhóm nước có nhiều đất hiếm nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng ví như bán dẫn.
PHẢI VƯỢT NHIỀU THÁCH THỨC
Mặc dù Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn, nhưng trong con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng đương đầu với không ít thách thức, Phó Tổng giám đốc Viettel phân tích:
Thứ nhất, công nghiệp bán dẫn là công nghiệp hạn chế tiếp cận từ phần mềm hỗ trợ thiết kế cho đến máy móc, vật liệu cũng như quy trình sản xuất.
Thứ hai, đây là ngành đòi hỏi có nguồn nhân lực chất lượng cao, mang đặc thù ngành rất cao từ khâu sản xuất đến khâu thiết kế. Trong sản xuất, ngành này đòi hỏi kỹ sư vận hành phải có nhiều năm kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam. Tuy Việt Nam hiện đang có 5.000 kỹ sư nhưng thiết kế mới chỉ ở công đoạn kiểm tra và thử nghiệm, khâu thiết kế chính vẫn được thực hiện chủ yếu ở nước ngoài.
Thứ ba, bởi chi phí nguồn vốn cho đầu tư, vận hành nhà máy bán dẫn rất lớn, khấu hao trong thời gian ngắn, chính vì vậy nên phải tìm được thị trường đầu ra lớn để bù đắp cho chi phí đầu tư của ngành cao. Thị trường đầu ra phụ thuộc vào một số nhà thiết kế chip và sản xuất thiết bị điện tử lớn.
Thứ tư, cần có một hệ sinh thái hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ kết hợp với nhà máy sản xuất chip. Để sản xuất chip cần đến hơn 200 chủng loại thiết bị phụ trợ, hiện tại những khâu cung cấp này ở Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia khác, vấn đề nhân lực cũng thực sự cấp thiết trong quá trình phát triển ngành bán dẫn Việt Nam. Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Tính toán của đại học Fulbright cho thấy tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên.
Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ. Ông Võ Xuân Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Nguồn lực quan trọng nhất vẫn là của Nhà nước để cung cấp học bổng cho sinh viên các trường đại học, thậm chí phải xây dựng chương trình đào tạo nghề ngay khi học sinh từ lớp 9 vào lớp 10 có thể tham gia đào tạo về công nghiệp bán dẫn, đồng thời cần đến sự tham gia tích cực của doanh nghiệp hàng đầu như FPT, Viettel hay CMC.