Phóng viên: Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào thứ Hai (ngày 15/1). Dưới góc nhìn thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, ông kỳ vọng gì từ kỳ họp này?
TS.Cấn Văn Lực: Theo tôi, Quốc hội rất quyết liệt giải quyết những việc không thể trì hoãn, các vấn đề cấp bách về quốc kế dân sinh. Chính vì thế, trong nhiệm kỳ này đã có nhiều cuộc họp bất thường được triển khai, không chờ đến kỳ họp thường lệ.
Trong chương trình kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Như thế mới bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời. Bởi lẽ, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023). Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thông qua rõ ràng sẽ có độ trễ, có khoảng trống về pháp lý giữa 3 luật liên thông nhau này.
Tương tự, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Như vậy khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa được thông qua sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng. Việc thông qua hai luật này là đảm bảo kịp thời và đồng bộ.
Tôi rất mong các bộ ngành và địa phương sớm bắt tay thực hiện luật. Trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải sớm có hướng dẫn thực hiện luật để đến ngày luật có hiệu lực là các cơ chế chính sách hướng dẫn đã được ban hành.
Phóng viên: Trong các luật này vẫn có những điểm lấn cấn đã được bàn luận suốt năm qua. Ông mong gì từ kỳ họp này?
TS.Cấn Văn Lực: Với Luật Đất đai (sửa đổi) như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh là phải tiếp tục rà soát và chuẩn hóa các vấn đề thu hồi đất, định giá đất, quy hoạch và tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất. Đặc biệt là giải quyết tiếp những tồn đọng trong thời gian vừa qua. Đến lúc phải giải quyết dứt điểm.
Với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cần tập trung vào vấn đề liên quan đến kiểm soát sở hữu chéo, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng, kiểm soát đặc biệt, can thiệp kịp thời… Đặc biệt trong dự thảo đã có một chương mục về xử lý nợ xấu. Tôi rất mong, Quốc hội cho phép giữ lại chương này để tạo ra khung pháp lý cho xử lý nợ xấu tốt hơn, hiệu quả hơn, như tiền lệ mà Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tạo ra. Đây là vấn đề rất quan trọng nhất là trong bối cảnh nợ xấu luôn luôn hiện hữu trong hệ thống ngân hàng, vừa qua đã tăng lên.
Năm nay Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Hai Nghị quyết đã đặt ra nhiều mục tiêu rất quan trọng và có phần tham vọng. Tôi nghĩ các bộ, ngành, địa phương cần sớm bắt tay triển khai thực hiện, để đảm bảo thực hiện tốt các nghị quyết này.
Thủ tướng yêu cầu trước ngày 20/1/2024, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện. Tôi hy vọng các bộ, ngành, địa phương sẽ thực thi nghiêm túc.
Đồng thời, cần quan tâm hơn đến việc làm mới các động lực tăng trưởng cũ như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đồng thời kiến tạo và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số kinh tế - xã hội chuyển đổi năng lượng, năng suất lao động, đặc biệt là liên kết vùng vốn dĩ chưa tốt trong thời gian qua.
Phóng viên: Khác với các năm trước, năm nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá gì về sự thay đổi này?
TS.Cấn Văn Lực: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15%.
Theo tôi, cơ chế này tạo sự chủ động cho cả Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng được phép tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm và sẽ không còn hiện tượng đến thời điểm muốn cho vay mới lại ách tắc vì chưa được cấp hạn mức tín dụng. Theo đó sẽ giải tỏa được câu chuyện nghẽn tín dụng như đã từng xảy ra trong năm qua.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng chủ động hơn về kế hoạch kinh doanh của mình ngay từ đầu năm, đặc biệt là tiếp tục hướng tín dụng vào những điểm mà chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu như các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng... chứ không phải là đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hay đầu cơ
Đây cũng là một cách để Ngân hàng Nhà nước có lộ trình áp dụng các công cụ gián tiếp nhiều hơn công cụ hành chính. Để đến thời điểm thích hợp sẽ bỏ các công cụ hành chính để thay thế bằng các công cụ khác như chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu.
Phóng viên: Theo ông cơ hội đầu tư kinh doanh 2024 đang được mở ra như thế nào? Có những điểm kích hoạt nào để kinh tế tăng trưởng tốt hơn?
TS.Cấn Văn Lực: Tôi thấy năm 2024 có một số điểm tích cực đang theo đà từ năm 2023, đó là:
Thứ nhất, là về thể chế, các luật mới đã được thông qua và sẽ được thông qua là Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử... Các luật này sẽ tạo nền tảng cho các thị trường (liên quan đến đất đai, xây dựng bất động sản. tài chính ngân hàng…) phát triển an toàn hơn, lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Thứ hai, là một số cơ chế chính sách ban hành trong năm 2023 tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất tiếp tục giảm VAT, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, tiếp tục giảm một số thuế và phí khác với mức gần tương đương với năm 2023.
Chính sách tiền tệ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, để doanh nghiệp và người dân an toàn hơn về mặt tài chính và có động lực để đầu tư và phát triển.
Thứ ba, đó là môi trường hội nhập quốc tế từ bên ngoài. Năm rồi ta làm rất tốt công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế với các FTA mới và đặc biệt là nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng.
Chúng tôi thấy đâu đó đã manh nha có làn sóng FDI lần thứ 4 vào Việt Nam. Năm 2023 đã đạt kỷ lục về vốn FDI đăng ký và giải ngân cũng tăng trưởng tích cực trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm 2%.
Thứ tư là kinh tế số, kinh tế xanh đã có chuyển đổi tích cực.
Tiếp nữa, tôi hy vọng những khó khăn vướng mắc, những rào cản và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm sẽ được loại bỏ. Tinh thần dám nghĩ dám làm sẽ tốt hơn, tích cực hơn vì đã có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tôi kiến nghị, cần luật hóa và cụ thể hóa những chính sách này để cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được bảo vệ chính đáng, ai vi phạm thì đương phải bị xử lý theo pháp luật. Như thế mới đảm bảo mục tiêu song hành, vừa phòng chống tham nhũng vừa phát triển kinh tế xã hội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!