Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong nửa đầu tháng 01/2024 đạt 97 triệu USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng đầu top 5 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam là Trung Quốc & Hongkong với kim ngạch đạt 17,689 triệu USD, chiếm tỷ lệ 18,4%, tăng 138,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với kim ngạch 15,245 triệu USD, chiếm tỷ lệ 15,8%, tăng 3,9% so với cùng kỳ, kế đến là Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Như vậy, nửa tháng đầu năm nay lần đầu tiên Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Bà Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm VASEP cho biết, 15 ngày đầu năm nay xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 15 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Các sản phẩm tôm tươi, đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm tôm chế biến. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sú sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương, chủ yếu nhờ các sản phẩm tôm sú tươi, đông lạnh tăng 10% đạt 59 triệu USD.
“Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm. Lạm phát tại Mỹ đã giảm khá mạnh trong năm 2023. Mặc dù có các chỉ số tích cực trên nhưng Mỹ vẫn cảnh giác với những rủi ro địa chính trị, trong đó có xung đột ở Ukraine, có khả năng làm gián đoạn thị trường ngũ cốc và đẩy lạm phát tăng trở lại. Tại Trung Đông, Israel dự đoán xung đột với lực lượng Hamas sẽ kéo dài nhiều tháng, làm tăng nguy cơ leo thang trong khu vực”, bà Thu nói.
Top 4 nguồn cung tôm chính cho thị trường Mỹ gồm Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023, Ecuador ghi nhận tăng 2% về khối lượng, các nguồn cung còn lại cho Mỹ đều giảm cả về khối lượng và giá trị.
Theo báo cáo mới của Rabobank về triển vọng sản xuất và kinh doanh ngành hàng thủy sản năm 2024, Novel Sharma, chuyên gia phân tích ngành hàng thủy sản tại Rabobank cho biết, 50% diện tích nuôi tôm ở Ecuador nằm trong vùng nguy cơ lũ lụt, ước tính thiệt hại lên đến 110.000 ha. Trong khi đó, những tín hiệu tích cực về sản xuất tôm tại châu Á được kỳ vọng thay đổi cục diện thị trường tôm toàn cầu năm tới.
Theo Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm châu Á có thể tăng 4% vào năm 2024 sau làn sóng khủng hoảng đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua. Ông Sharma cho biết, quy mô phục hồi của ngành tôm châu Á sẽ phụ thuộc vào mức độ cải thiện giá bán của mặt hàng tôm trong năm tới bởi trong suốt năm 2023, giá xuất khẩu tôm liên tục lao dốc khiến phần lớn người nuôi không có lãi. Tương tự, sản xuất tôm ở Ấn Độ và Việt Nam cũng dự kiến phục hồi vào năm 2024 sau một năm 2023 ảm đạm.
Xuất khẩu tôm đi Mỹ đối mặt khó khăn mới
Theo ông Willem van der Pijl, một chuyên gia tại Shrimp Insights, ngành tôm Ấn Độ và Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng sản lượng kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu, cũng như mức độ phục hồi giá cả có đủ khuyến khích nông dân gia tăng sản xuất trở lại hay không.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Chưa rõ kết quả như thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho DN trong năm 2024.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.
Trước khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ từ phía Mỹ: Chủ động nghiên cứu, nắm quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Thị trường lớn như Mỹ khó tránh khỏi những thách thức, càng đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản trong đó có tôm phải luôn linh hoạt thích ứng và cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra.