Trong khuôn khổ “Hội thảo Thường niên thị trường Lúa gạo Việt Nam 2024”, do AgroMonitor tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây đã diễn ra bàn tròn thảo luận “Các xu hướng định hình thị trường gạo thế giới” trong năm 2024.
Vào đầu năm 2024 đã xảy ra khủng hoảng ở Biển Đỏ, đẩy giá cước container tăng cao. Căng thẳng Biển Đỏ là yếu tố mới của năm nay và có thể là một rủi ro ngoài dự tính, vì một khi thế giới ngày càng biến động sẽ ảnh hưởng đến lương thực toàn cầu.
Bên cạnh đó, dự kiến Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo tới thời điểm bầu cử diễn ra vào tháng 5/2024. Nền chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn cùng với dự báo mức tiêu thụ gạo toàn cầu sẽ cao hơn sản lượng gạo toàn cầu khoảng 7 triệu tấn gạo (USDA).
Nhu cầu gạo vẫn duy trì ở các thị trường Philippines, Indonesia, Trung Quốc và châu Phi sẽ là các yếu tố tác động lên thị trường gạo trong năm nay.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông cho biết, xuất khẩu gạo trong năm 2023 chịu tác động mạnh từ lệnh cấm của Ấn Độ làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp gạo, thậm chí các hãng tin quốc tế còn dùng cụm từ “ngành gạo bị tê liệt” và chỉ trong vòng vài tuần giá gạo Việt Nam đã tăng đến 150 USD/tấn, khiến các doanh nghiệp “không trở tay kịp”, còn các thành phần trong chuỗi được hưởng lợi nhất là người nông dân và thương lái.
Sau đó doanh nghiệp dần điều chỉnh và bước sang quý IV/2023, một số doanh nghiệp cũng đã có chỉ số thích ứng cao để vượt qua khủng hoảng. Nhìn lại 5 năm gần đây cho thấy chỉ số thích ứng của doanh nghiệp mang tính quyết định, vì vậy, bắt buộc họ phải nhạy bén trong vấn đề thị trường.
Việt Nam sau hơn 30 năm tham gia vào thị trường gạo xuất khẩu thì hầu như năm nào cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và “biến mất” khỏi thị trường, cho thấy ngành gạo có độ đào thải quá lớn, bù lại thị trường cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới và năng lực cạnh tranh cũng rất tốt.
“Chỉ số thích ứng và năng lực cạnh tranh mang tính sống còn đối với doanh nghiệp gạo, mặt khác biên lợi nhuận ngành gạo quá thấp vì vậy khi nói về thương hiệu thì thị trường bán lẻ có thể cần, trong khi xuất khẩu gạo là một chuỗi bán buôn mà phải xây dựng thương hiệu ở những nước nhập khẩu rất xa xôi, thì tôi nghĩ việc xây dựng thương hiệu chỉ có thể phù hợp với một số doanh nghiệp nào đó”, ông Việt Anh nói.
Chuỗi bán buôn có biên lợi nhuận quá thấp nên doanh nghiệp phải làm với một số lượng nhất định để có lãi và tồn tại, vì nếu làm ít quá thì không đủ chi phí mà làm nhiều thì bị rủi ro. Từ đó nổi lên vấn đề đạo đức kinh doanh và tất nhiên trong những biến động lớn này một số doanh nghiệp cung ứng có thể là không giao hàng, mặc dù họ kinh doanh không lỗ thậm chí còn lãi rất cao, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể làm được những chuyện như vậy nên phải “ôm” con số thiệt hại khá lớn.
Gian lận thương mại không chỉ trong ngành hàng gạo mà các ngành hàng khác đều có, vì vậy, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều mong muốn cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phải giữ chữ tín và hình ảnh chung của gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, như giữ ổn định chất lượng, bảo đảm tiến độ giao hàng …
Bước sang tháng 1/2024, doanh nghiệp đã có đơn hàng liên tục vì nhu cầu của Philippines vẫn phải mua, thị trường châu Phi sẽ sớm trở lại vì gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu.
“Trong quý I và quý II/2024 nhu cầu gạo thế giới vẫn cao, thời gian này Việt Nam có 2 vụ lúa chính nhưng lại đưa doanh nghiệp vào thế khó kinh doanh, vì giá thành bây giờ quá cao nếu doanh nghiệp không trữ hàng sẽ không có hàng cho những vụ tiếp theo, vì gạo vụ Hè Thu chất lượng không được đẹp như vụ Đông Xuân nhưng trữ với giá thành cao như hiện nay thì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy phải tiếp tục theo dõi, quan sát diễn biến thị trường”, ông Việt Anh nói.
Ông Yang Ying Hui – Yang Eric, CEO Công ty TNHH Shenzhen Lianyi Miye với hơn 14 năm kinh doanh gạo Việt Nam cho biết, theo phản ảnh của các nhà hàng, quán cơm ở Trung Quốc – nơi tiêu thụ một lượng lớn gạo ST24/25, tuy giá loại gạo này rất cạnh tranh nhưng chất lượng không ổn định.
“Tôi cho rằng kinh doanh gạo cần nhất là chất lượng gạo ổn định và giá cả hợp lý. Thị trường tỷ dân Trung Quốc có 50% người ăn gạo nên cơ hội là rất lớn, gạo từ Việt Nam đi Trung Quốc chỉ 3 – 4 ngày nên có nhiều lợi thế, vì vậy, chúng ta cần khai thác tốt lợi thế này”, ông Yang Ying Hui nói.