Xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh và liên tục ở mức cao
Tháng 9/2023, hoạt động xuất khẩu rau quả diễn ra sôi động, ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, góp phần thúc đẩy giá trị xuất khẩu rau hoa quả trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh, ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Trong Top 10 thị trường lớn nhất của ngành rau quả, ngoài Trung Quốc thì thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tăng trưởng dương; Hoa Kỳ, Thái Lan, Australia giảm nhập khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm nay, quả là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu hàng rau quả và ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, giá trị xuất khẩu thanh long và chuối giảm, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh và liên tục ghi nhận ở mức cao đã tác động tích cực lên toàn ngành rau quả. Trị giá xuất khẩu sầu riêng trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 1,28 tỷ USD, tăng 708,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruite) cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh 71,8% so với cùng kỳ năm 2022 là nhờ sầu riêng, nhưng vào các tháng cuối năm sầu riêng hết vụ nên kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ không tăng mạnh như mấy tháng qua.
Ông Nguyên dự tính, xuất khẩu sầu riêng trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 35,71%/tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Các tháng 8, 9 và 10/2023 sầu riêng khu vực Tây Nguyên vào vụ thu hoạch, sản lượng tăng mạnh đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng và liên tục ở mức cao nhưng hiện có các yếu tố ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu rau quả trong các tháng cuối năm, như: Tây Nguyên đang mưa dầm, nông dân không thể cắt sầu riêng được...
Mặt khác, khoảng 3 tuần nữa là hết vụ sầu riêng ở Đắk Lắk, vào tháng 11-12/2023 tỉnh Gia Lai sẽ vào vụ thu hoạch sầu riêng, miền Tây cũng bắt đầu thu hoạch sầu riêng trái vụ nhưng sản lượng không nhiều như ở Đắk Lắk.
Trung Quốc nghỉ lễ Quốc Khánh khiến sầu riêng trong nước giảm giá
Hiện nay Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài khoảng 10 ngày, thời gian này người dân Trung Quốc đi chơi nhiều nên việc tiêu thụ sầu riêng bị chậm lại. Trong khi đó, hàng hóa từ Việt Nam vẫn được vận chuyển lên cửa khẩu phía Bắc nên gây ùn ứ ở các chợ biên giới Trung Quốc.
Do thị trường Trung Quốc giảm mua nên giá sầu riêng nội địa trong những ngày gần đây giảm đáng kể, từ mức giá trên dưới 100.000 đồng/kg, nay chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg.
“Nghỉ lễ Quốc Khánh Trung Quốc kéo dài gần 10 ngày, nửa đầu tháng 10 là giai đoạn thấp điểm xuất khẩu rau quả sang thị trường này. Qua lễ khi cuộc sống trở lại bình thường tiêu thụ rau quả sẽ trở lại như trước lễ. Điều này đã làm một số mặt hàng rau quả Việt Nam đang xuống giá cụ thể là sầu riêng”, ông Nguyên nói.
Thực tế này cho thấy, năng lực kho lạnh dữ trữ sầu riêng ở các vùng trọng điểm chưa đủ đáp ứng nhu cầu, vì vậy, ngành nông nghiệp cần phải tính đến chiến lược đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh dự trữ cho mặt hàng tỷ đô này, phòng những lúc Trung Quốc giảm mua, tránh tình trạng giảm giá.
Theo tính toán của Vinafruite, 9 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, bình quân mỗi tháng đạt 466 triệu USD, nhưng do 3 tháng cuối năm đã qua cao điểm thu hoạch sầu riêng nên Vinafruite dự tính giá trị xuất khẩu rau quả chỉ đạt khoảng 400 triệu USD/tháng (riêng xuất khẩu sầu riêng ước đạt 300 triệu USD/tháng), tương đương 1,2 tỷ USD.
Ước kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt khoảng 5,4 - 5,5 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng ước đạt khoảng 1,7 - 1,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 32,72% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.