Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (XNK), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, Nghị định sửa đổi Nghị định 107 sẽ tập trung vào hai nhóm vấn đề.
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ đưa ra các chế tài với tất cả thương nhân tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Mục đích giúp cho những doanh nghiệp hoạt động thật sự, những doanh nghiệp tâm huyết với kinh doanh xuất khẩu gạo có những cạnh tranh công bằng hơn so với những doanh nghiệp từ trước tới nay cũng làm gạo nhưng có những hoạt động trá hình phục vụ cho mục đích kinh doanh khác.
Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam (VFA) thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định sửa đổi Nghị định 107. Đối với những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc sẽ bị chế tài theo quy định. Đây là một trong những điểm khác so với quy định trong Nghị định 107.
Thứ hai, về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đều biết Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Một triệu hecta lúa chất lượng cao”, và bộ này đã kiến nghị với Bộ Công Thương bổ sung quy định “doanh nghiệp phải có hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu mới đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo”.
“Đây là một trong những điều kiện sẽ gia tăng thủ tục hành chính, chi phí giá thành cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, xem xét hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng lúa cũng như cơ quan quản lý để nhận định xem có khả năng đưa vào hay không, vì doanh nghiệp sẽ là chịu tác động lớn nhất của cơ chế chính sách này. Đề nghị các doanh nghiệp cần có những nghiên cứu và báo cáo lại với bộ xem có nên bổ sung điều kiện có hợp đồng liên kết với nông dân vào Nghị định sửa đổi Nghị định 107 không”, bà Bình nói.
Việt Nam xuất khẩu gạo theo hình thức bán buôn nên mô hình liên kết không phù hợp
Liên quan đến việc đưa quy định “doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất lúa mới đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo” vào Nghị định sửa đổi Nghị định 107”, một doanh nghiệp thuộc top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn trong nước cho biết, mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa (hay còn gọi là mô hình Cánh đồng lớn - CĐL) được ngành nông nghiệp triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long hơn 10 năm qua. Đây là chủ trương lớn, đúng đắn và tốt cho các thành phần trong chuỗi lúa gạo nhưng không phát huy được hiệu quả như mong muốn nên theo thời gian đã bị thu hẹp dần.
Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng rất ít công ty làm mô hình liên kết, số đông còn lại không tham gia vì khi nói đến kinh doanh phải xét đến 2 yếu tố thị trường và cung cầu.
Gạo Việt Nam chủ yếu bán sỉ nên chiếm tỷ lệ rất lớn, có khoảng 90% doanh nghiệp tham gia phân khúc này (bán sỉ cần giá cạnh tranh tại từng thời điểm giao dịch, giao nhanh), nên các doanh nghiệp phải tuân theo quy luật, nếu không có hợp đồng bán ra (có lãi) với phân khúc bán sỉ, thì lượng lúa hàng hóa trong dân không bán được giá sẽ lao dốc dẫn đến ứ đọng rất lớn, không tiêu thụ hết lúa trong dân, vì cứ vài tháng là chúng ta lại có vụ mới, chi phí tồn kho và lãi suất sẽ làm các doanh nghiệp thua lỗ sâu.
Ngược lại, liên kết có thể đúng đối với khoảng 10% doanh nghiệp trồng các giống lúa cao cấp đi thị trường ngách, số lượng nhỏ (đi EU, Mỹ …), đây là nhóm sản phẩm cần thương hiệu - phân khúc này có thể cần liên kết để ổn định vùng nguyên liệu, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp chuộng mô hình này hơn, vì liên kết với nông dân cái lợi trước mắt là bán được vật tư nông nghiệp là đã có lợi nhuận.
Để thị trường vận hành theo quy luật cung, cầu
Việt Nam là nước xuất khẩu và bị chi phối bởi quy luật cung, cầu của thị trường và người mua luôn có nhiều sự lựa chọn từ các nguồn cung, gạo Việt Nam chiếm chưa tới 20% thị phần toàn cầu, nên khi giá thế giới giảm buộc Việt Nam phải giảm theo.
Bài toán lời lỗ trong kinh doanh tạo áp lực rất lớn lên doanh nghiệp nên họ không dám chọn cách “liên kết, bao tiêu”, vì mấu chốt của vấn đề là chi phí tăng, làm đội giá thành cùng với đó là những tranh chấp giữa doanh nghiệp và nông dân không được giải quyết.
Mỗi khi giá lúa biến động tăng các tranh chấp đã xảy ra rất gay gắt, gây thương tích tại các cánh đồng khá nhiều, như tranh chấp về cân kéo, lúa không đạt chất lượng (ẩm độ cao, tạp chất…) nhưng doanh nghiệp buộc phải nhận. Song, cũng có không ít doanh nghiệp “bẻ kèo” không nhận lúa của nông dân khi giá giảm như đã từng xảy ra, chuyện này nên rõ ràng là mối liên kết đứt gãy từ cả hai phía chứ không chỉ từ cò lái, nông dân, cho đến nay chưa có chế tài hay cơ quan chức năng can thiệp nỗi.
“Chúng ta đều biết, năm 2023, nông dân trồng lúa có thu nhập rất tốt dù họ không tham gia bất cứ mô hình sản xuất nào. Đó là do cung, cầu thị trường, vậy hãy để thị trường vận hành theo quy luật của nó, còn với doanh nghiệp, họ tự biết phải chọn mô hình sản xuất phù hợp với đơn vị mình. Bởi “Thuận thiên” là ý tưởng của việc trồng lúa, nhưng “Thuận thị (trường)” là từ quy luật thị trường chi phối”, doanh nghiệp này nói.