Dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 10/11/2023, gạo loại 5% của các nước Việt Nam, Thái Lan và Pakistan chào bán ở các mức: 653 USD/tấn, 561 USD/tấn và 563 USD/tấn, như vậy gạo Việt Nam đang cao hơn gạo Thái Lan 92 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 90 USD/tấn.
Đối với loại gạo 25% tấm của Việt Nam giá cũng đang cao hơn gạo Thái Lan đến 118 USD/tấn, và cao hơn gạo 25% tấm Pakistan 160 USD/tấn.
Dự trữ chiến lược của Trung Quốc rất tốt
Trao đổi sau chuyến đi khảo sát thị trường Trung Quốc – một trong những thị trường nhập khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo tại thị trường nội địa Trung Quốc đang khá thấp, khiến lượng gạo các thương nhân đã nhập khẩu về không bán ra được nên họ chưa thể nhập thêm. Lúc trước gạo Việt Nam nhập khẩu sang Trung Quốc giá bán buôn là 570 USD/tấn, bây giờ nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu giá này là bị lỗ.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, Phó Chủ tịch VFA cho rằng, tình hình trước mắt là rất khó do dự trữ chiến lược của Trung Quốc khá tốt, tồn kho dự trữ của nước này còn nhiều, khi giá gạo trên thị trường nội địa tăng cao Chính phủ Trung Quốc đưa hàng tồn kho ra bình ổn thị trường giữ giá gạo không tăng lên. Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho kho dự trữ của họ bị giảm và nếu lượng giảm sâu quá, khi giá gạo xuất khẩu phù hợp, Trung Quốc sẽ tăng mua để bổ sung.
“Giá gạo tại thị trường nội địa Trung Quốc đang rẻ hơn ở Việt Nam nên gạo Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang thị trường này. Trước đây, muốn có quota nhập khẩu gạo từ Việt Nam thương nhân Trung Quốc phải nộp tiền còn bây giờ không cần đóng tiền vẫn được cấp quota nhưng vẫn không có người nhận, nếu có nhận cũng không dám nhập khẩu vì không bán ra được”, ông Nam phân tích.
Nhận định về thị trường gạo trong nước, theo ông Nam, thị trường gạo Việt Nam nhìn chung rất khác so với các nước, giá gạo Việt Nam tăng rất cao và có vẻ không phản ảnh đúng theo diễn biến thật của thị trường thế giới nên dẫn đến nhiều rủi ro.
"Giá lúa trong nước thương lái đang mua với mức giá trên, dưới 9.300 đồng/kg, nếu các nhà nhập khẩu thấy cao mua về khó ra hàng họ sẽ không mua, như vậy doanh nghiệp sẽ không xuất được hàng, sắp tới thị trường gạo sẽ đi về đâu", ông Nam đặt vấn đề và cho biết có thể có 2 hướng đi. Thứ nhất, giá cao không xuất khẩu được bắt buộc doanh nghiệp, nhà cung ứng … phải tồn kho không mong muốn.
Thứ hai, nguồn gạo dành cho xuất khẩu sẽ được phân phối ra thị trường nội địa, khi đó giá gạo trong nước sẽ tăng cao và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới người dân nhất là người có thu nhập thấp.
“Trong khi khách ngoại không mua mà thị trường trong nước vẫn chấp nhận giá gạo này, chắc chắn thị trường gạo trong nước đang có vấn đề nên người ta mới chấp nhận giá cao. Khi đó những người thu nhập thấp không chịu nổi giá gạo cao buộc chính phủ phải mở kho gạo dự trữ quốc gia để bình ổn thị trường”, ông Nam nói.
Thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa
Ở góc nhìn của người nghiên cứu và phân tích thị trường, ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng Công ty AgroMonotor cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy tồn kho năm 2024 sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro như năm nay, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.
Giá gạo Việt Nam đang khá cao nên đây cũng là hạn chế làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác. Mặt khác, cũng cần lưu ý Ấn Độ có thể quay lại thị trường, mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống.
Để xuất khẩu trong năm 2024 được tốt hơn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, xuất khẩu gạo đạt 635.102 tấn, trị giá 406,762 triệu USD, so với tháng 9/2023 tăng 4,9% về khối lượng và tăng 7,7% về kim ngạch. Lũy kế, 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo đạt 7,053 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 15,9% về khối lượng và tăng 34% về kim ngạch.
Hiện nay vụ Đông Xuân 2023-2024 tại đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu gieo sạ được 321 ngàn ha/1,5 triệu ha diện tích kế hoạch, dự kiến vào tháng 2/2024 sẽ cho thu hoạch. Như vậy từ nay đến cuối tháng 2/2024 nguồn cung gạo trên thị trường sẽ hạn chế và theo các chuyên gia giá gạo xuất khẩu sẽ khó giảm sâu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng, tránh những rủi ro trong giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo.