Cà phê Robusta được thu hoạch vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 hằng năm. Giai đoạn thu hoạch được chia thành nhiều đợt, có nơi cà phê chín muộn hơn thì thu hoạch vào khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Hiện nay, Tây Nguyên đã kết thúc niên vụ cà phê 2023-2024, nguồn cung giảm là một trong những nguyên nhân đẩy giá cà phê tăng cao. Ngày 05/3/2024, giá cà phê tại Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, giao dịch từ 86.200 – 87.100 đồng/kg. Cụ thể, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 87.100 đồng/kg và tỉnh có giá thấp nhất là Lâm Đồng ở mức 86.200 đồng/kg.
Hai tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023
Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, tháng 02/2024, giá cà phê Robusta trong nước tăng mạnh so với cuối tháng 1/2024 do nhu cầu vẫn ở mức cao. Ngày 19/2/2024, giá cà phê Robusta tăng từ 1.600-1.800 đồng/kg so với một tuần trước đó lên mức 80.700 – 81.600 đồng/kg. Ngày 28/02, giá cà phê Robusta tăng từ 6.300–6.600 đồng/kg so với ngày 29/01, lên mức 82.800 – 83.700 đồng/kg. Ngày 05/03 giá cà phê đồng loạt tăng từ 1.100 - 1.200 đồng/kg và giao dịch trong khoảng 86.200 – 87.100 đồng/kg.
Ước tính, trong tháng 2/2024, xuất khẩu cà phê đạt 200 nghìn tấn, trị giá 655 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng trước, so với tháng 2/2023 giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 50,3% về trị giá. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê ước đạt 438 nghìn tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận định về niên vụ cà phê 2023-2024 và xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, ước sản lượng cà phê xuất khẩu niên vụ này sẽ giảm xuống còn 1,4 triệu tấn, đặc biệt rơi vào thời điểm tháng 2/2024 do nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài.
Và một vấn đề quan trọng của Việt Nam là không còn hàng tồn kho, trong khi, thông thường trước đây hàng tồn kho có từ 150.000-200.000 tấn, nhưng năm nay Việt Nam thiếu hẳn nguồn hàng này, báo hiệu một tình trạng rất không bình thường trong thời gian tới đối với ngành cà phê Việt Nam.
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI cũng mua trước lượng khá lớn cà phê non
Theo ông Nam, trong lịch sử ngành cà phê từ trước đến nay mới có, đó là không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mua cà phê non (tức là mua trước khi thu hoạch) mà có khá nhiều các doanh nghiệp FDI cũng đã mua trước với một lượng hàng khá lớn. Trước tháng 11/2023, giá mua vào lên đến 64.000 đồng/kg, vào đầu vụ giá cà phê vẫn ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có vào đầu vụ, và ở Việt Nam chưa bao giờ có giá cao như vậy.
“Có một điều mà chúng tôi thật sự lo lắng, nếu tháng 6/2023 trên thị trường hầu như không còn hàng để mua trừ hàng tồn kho, thì năm nay Vicofa dự báo có thể vào tháng 5/2024, thậm chí tháng 4/2024, Việt Nam sẽ không còn hàng để mua. Đây là vấn đề rất mới và rất nguy hiểm”, ông Nam nói.
Theo GIACAPHE.COM, dữ liệu báo cáo cho thấy tồn kho ICE – Europe tiếp tục sụt giảm đã hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn duy trì đà tăng… Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà tăng phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 46 USD, lên 3.189 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 48 USD, lên 3.105 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. Đà tăng giá cà phê trên sàn củng cố thêm đà tăng giá cà phê trong nước.
Phó Chủ tịch Vicofa nêu vấn đề, nếu giá sàn London tiếp tục tăng thì giá cà phê Robusta của Việt Nam sẽ như thế nào, trong khi châu Âu rất cần loại cà phê này để pha chế theo công thức, và như phát biểu của một doanh nghiệp đến từ châu Âu “mặc dù có một số ít nước vào vụ giống như Việt Nam nhưng thực ra lượng hàng đó không đáng kể, vì vậy châu Âu đang trông cậy vào cà phê Việt Nam”.
“Nếu như tất cả dồn hết vào thị trường Việt Nam thì từ nay đến hết tháng 4/2024, mọi người chỉ mua cà phê Việt Nam sẽ khiến nguồn cung trở nên rất căng thẳng.
Như vậy, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới và có thể sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024. Do lo sợ không mua được hàng nên phần lớn doanh nghiệp Việt Nam không dám bán xa, nếu bán xa mua vào không được hàng sẽ lặp lại câu chuyện của năm 2023, như vậy là rất nguy hiểm cho doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.
Về niên vụ 2023-2024, Rabobank ước tính sản lượng cà phê thế giới sẽ đạt 172,6 triệu bao, gần ngang bằng với dự báo về nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, USDA dự báo sản lượng niên vụ 2023-2024 có thể lên đến 174,3 triệu bao, xuất khẩu 122,2 triệu bao, tiêu thụ 170,2 triệu bao và tồn kho cuối vụ ở mức 31,8 triệu bao.