Khi giá cà phê tăng lên 100.000 đồng/kg, nông dân không còn hàng vì đã bán ra hết sạch từ khi giá cà phê tăng lên trên 60.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng ký bán cho nhà nhập khẩu khi giá cà phê còn thấp, nay đến hạn trả hàng dù giá cà phê tăng cao họ vẫn phải mua, nhưng muốn mua được số lượng lớn rất khó, do thị trường khan hiếm nguồn cung.
Giá cà phê khiến việc trả hàng theo hợp đồng gặp khó khăn
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee cho biết, hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê đều không lường trước được việc giá cà phê năm nay chỉ trong vòng 1 đến 2 tháng đã tăng đột biến, và hôm nay lên 105.000 đồng/kg. Giá cà phê tăng gần như gấp đôi nhưng chỉ những nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài là bên có lợi, vì họ có dự báo tốt và có tiềm lực kinh tế mạnh nên đã gom hàng từ lúc giá cà phê còn thấp. Đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê trong nước thì không có lợi vì không mua được hàng, nếu mua được cũng chỉ mua nhỏ giọt, khiến việc trả hàng theo hợp đồng gặp khó khăn.
Không mua được hàng giao cho các hợp đồng đã ký, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đàm phán lùi thời gian giao hàng hoặc tăng giá, nếu bên mua thông cảm đồng ý tăng giá cũng không thể nào tăng 40 - 50% như giá cà phê tăng, vì đây là một điều bất hợp lý và bên mua sẽ không chấp nhận, nhưng nếu đàm phán không được doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ.
“Thử hình dung giá cà phê trên, dưới 60.000 đồng/kg bây giờ tăng lên 100.000 đồng/kg, tăng gần như gấp đôi thì không thể nào đàm phán điều chỉnh giá với đối tác được. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp chế biến, thậm chí bây giờ chúng tôi phải chấp nhận xuất khẩu lỗ những đơn hàng ký năm 2023 đến kỳ hạn trả hợp đồng cho đối tác.
Không chỉ chúng ta, bên mua cũng gặp khó khăn do logistics tăng cao, nên không thể đàm phán tăng cao giá, nếu tăng giá cao quá họ sẽ chuyển sang mua cà phê của nước khác, tuy giá có tăng nhưng vẫn ổn định hơn giá cà phê Việt Nam. Tháng 5, Brazil vào mùa vụ thu hoạch cà phê và bây giờ đang tung hàng ra, Indonesia thì vào tháng 7, lúc đó giá cà phê Việt Nam chắc chắn sẽ được điều chỉnh lại”, ông Luận nói.
Giám đốc Meet More Coffee cho rằng, do cà phê Việt Nam tăng giá “phi mã”, đã có một lượng khách hàng chuyển sang mua cà phê của Ấn Độ, tuy cà phê Ấn Độ chất lượng không bằng Việt Nam nhưng trong điều kiện giá Việt Nam quá cao thì chất lượng cà phê của Ấn Độ vẫn chấp nhận được. Giá cà phê của thế giới ở mức 3.400 USD/tấn trong khi cà phê của Việt Nam lên đến 4.400 USD/tấn.
Giá cà phê đang tăng, càng bán càng lỗ
Thời gian trước, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã dự báo giá cà phê có thể tăng từ 10 - 20%, nhưng thực tế giá cà phê tăng gần 50%, là một sự tăng giá rất bất ngờ. Trong tình hình này, các bộ ngành như Bộ Công Thương và Vicofa cần ngồi lại với nhau, định hướng thị trường, có những dự báo trước về diễn biến của thị trường, cũng như cảnh báo cho các doanh nghiệp, họ cần phải làm gì trong tình huống có giá cơn bão giá như hiện nay.
“Sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình thế khó xử này là do họ thiếu thông tin dự báo thị trường, và do hàng chục năm qua giá cà phê không có biến động nên không một doanh nghiệp nào tính đến việc ký hợp đồng mở. Nếu các doanh nghiệp có dự báo trước về thị trường họ sẽ ký những hợp đồng mở, giá sẽ được điều chỉnh theo đợt giao hàng. Là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê, chúng tôi mong muốn Vicofa có một số định hướng cung cấp thông tin chính xác cho nông dân và doanh nghiệp, để từ đó họ có thể tự định hướng và phát triển cho đơn vị”, Giám đốc Meet More Coffee nói.
Nhận định về diễn biến thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm, ông Luận cho rằng, thị trường cũng có tín hiệu khởi sắc, nhu cầu thế giới bắt đầu hồi phục. Song, với tình hình như hiện nay không thể dự báo trước được điều gì nhất là xung đột Nga - Ukraine vẫn xảy ra, tháng 11 tới đây bầu cử ở Mỹ, liệu có ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới hay không. Phải chờ đến sau quý II/2024 xem tín hiệu thị trường có khởi sắc hay không.
Năm 2023, do tình hình khó khăn nên kim ngạch xuất khẩu của Meet More Coffee chỉ khoảng 2 triệu USD. Thị trường xuất khẩu gồm các nước tiên tiến như Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Pháp và Cộng hòa Séc... Quý I/2024, công ty chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc.
“Hiện nay do giá cà phê biến động mạnh nên không xuất được nhiều, vì phải dừng lại để đàm phán lại giá. Mặc dù có nhiều đơn hàng nhưng công ty phải dừng lại hết, do giá cà phê đang tăng, càng bán càng lỗ và cũng không mua được nguyên liệu”, ông Luận nói.