Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 tỷ USD – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như: tôm, cá ngừ, cá tra… Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Hoa Kỳ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm.
Dự kiến vào tháng 7/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ có quyết định Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không.
Nếu được công nhận nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp trong thời gian tới.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, Hoa Kỳ luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có rất nhiều dư địa nhưng cũng không ít rào cản khiến doanh nghiệp thủy sản nhiều phen lao đao. Trong đó, có những vấn đề kéo dài nhiều năm như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và vấn đề “nóng” của năm 2024 là thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ.
“Ngoài những vấn đề như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước”, bà Lê Hằng nhận định.
Dưới góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) lý giải thêm, do bị xem là nền phi kinh tế thị trường nên giá bán tôm của Việt Nam vào Mỹ sẽ do thị trường này quyết định.
Ví dụ, giá thành tôm Việt Nam 8 USD/kg, bán vào Mỹ 10 USD/kg, doanh nghiệp lời 2 USD/kg, nhưng phía Mỹ không chịu và so sánh giá thành với các nước như Bangladesh, Ấn Độ hay Indonesia.
Nếu giá thành của các nước này 11 USD/kg, Việt Nam bán vào Mỹ 10 USD/kg, bị cho là bán phá giá 1 USD/kg. Vì vậy, khi bán tôm vào Mỹ doanh nghiệp thường lo lắng và không biết bán như thế nào và có bị coi là phá giá không nên họ không mạnh dạn đầu tư phát triển thị trường Mỹ.
Nếu được công nhận nền kinh tế thị trường phía Mỹ sẽ chấp nhận giá thành tôm của Việt Nam, việc bán hàng vào Mỹ của doanh nghiệp sẽ được sòng phẳng hơn, khi đó họ sẽ tự tin và hiểu được mình muốn gì để tính toán công việc kinh doanh của mình.
“Đối với Stapimex, xuất khẩu tôm vào Mỹ cũng sẽ thuận lợi hơn, dần dần bớt được chi phí chống bán phá giá và giá bán cũng sẽ được tăng lên, nhưng tăng bao nhiêu thì tôi không biết bởi vì bán vào Mỹ không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mà có nhiều doanh nghiệp các nước. Nếu giả định các nước khác đứng yên đương nhiên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng lên 5%- 10% tôi nghĩ không phải là vấn đề khó khăn và tùy tình hình thị trường”, ông Phẩm cho biết thêm.
Trong trường hợp, Việt Nam vẫn bị xem là nền kinh tế phi thị trường, bên cạnh chống bán phá giá vẫn còn nhiều vấn đề khác. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất khó làm ăn ở thị trường Mỹ, ngược lại cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không dám làm ăn với Việt Nam một cách căn cơ.
Đối với doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam sản xuất hàng hóa bán sang Mỹ nhưng bị “dán nhãn” là nền kinh tế phi thị trường nên họ cũng còn e ngại, do chính sách Mỹ chưa cởi mở với Việt Nam.
Trong dòng chảy đầu tư nước ngoài từ Mỹ và nhiều quốc gia khác vào Việt Nam, khi được công nhận nền kinh tế thị trường sẽ có nhiều nhà đầu tư thay vì Trung Quốc, Thái Lan hay một quốc gia nào khác trong khối Asean thì họ sẽ chọn Việt Nam.
“Việt Nam – Mỹ đã nâng lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và nếu được chấp nhận là nền kinh tế thị trường thì sức cạnh tranh của Việt Nam so với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á được nâng lên tầm cao mới đáng kể, góp phần phát triển nền kinh tế rất nhiều, cùng với đó chúng ta phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, nước và giao thông cho nhanh chóng và đồng bộ thì tốc độ tăng trưởng sẽ tốt hơn rất nhiều so với trước đây”, Chủ tịch HĐQT Stapimex nhận định.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc công nhận này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.
Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng nước này tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.
Đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…