Là một trong những nước thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, Việt Nam đang đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế xanh theo hướng chuyên sâu, hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Vì vậy việc xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với bối cảnh là mục tiêu và ưu tiên nhằm phát triển được kinh tế thịnh vượng và bền vững.
Việc số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh có thể trở thành điểm yếu, đặc biệt với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài.
Hiện tại, hầu hết các ngành kinh tế đều phát thải khí nhà kính, đây cũng chính là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường nên việc giảm phát thải khí nhà kính được coi là mấu chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Giảm phát thải khí nhà kính là quá trình giảm hoặc loại bỏ khí các bon dioxide khỏi các nguồn cung cấp năng lượng. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), loại bỏ phát thải khí nhà kính là phương pháp tối ưu để ổn định khí hậu.
Để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về không, sẽ cần đến việc hoàn tất quá trình chuyển đổi năng lượng. Quá trình này cần đến sự đầu tư rất nhiều về công nghệ, kinh nghiệm và đặc biệt là nguồn vốn.
Chỉ riêng đối với việc triển khai Quy hoạch Điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD, nguồn lực này rất lớn và cần đến sự chung tay từ cả phía nhà nước, doanh nghiệp nội địa cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
Huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài
Tại "Diễn đàn Năng lượng Sản xuất tại Việt Nam” được tổ chức ngày 21/11, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhận định, năm 2023 là năm mà ngành điện và năng lượng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách về chuyển dịch năng lượng, bao gồm ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, đồng thời nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực điện và năng lượng.
Với góc nhìn từ khu vực tư nhân, ông Kojima Masao – Giám đốc điều hành, Tổng phụ trách khu vực Việt Nam, của ngân hàng MUFG cho biết, đặc biệt đối với điện gió và nhiệt điện cần đến vốn đầu tư lớn, độ phức tạp của dự án cao, huy động vốn thông qua tài chính doanh nghiệp sẽ không đủ. “Theo Quy hoạch Điện VIII mới nhất, ước tính đầu tư cho ngành điện đến năm 2030 cần đến 628 tỷ USD. Việc huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài là rất cần thiết ”, ông Masao chỉ ra.
Đặc biệt với các dự án quy mô lớn, giải pháp khả thi nhất chính là huy động vốn cho dự án theo thông lệ toàn cầu để thúc đẩy tối đa năng lực của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.
CEO của MUFJ cũng đề cập đến một số yếu tố cần khắc phục với hợp đồng mua bán điện (PPA). Theo quan điểm của ông, khi có sự thay đổi về luật hay thụ hưởng, nhà đầu tư cần được ưu đãi về thuế quan hoặc một số loại chi phí khác để đảm bảo có thể thu hồi được chi phí đầu tư trước đó trong thời gian còn lại của dự án.
Liên quan đến vấn đề ngoại hối, theo ông Masao, trong PPA hiện hành, giá cước được tính bằng đồng USD Mỹ, nhưng thanh toán khi bán điện lại bằng tiền đồng Việt Nam, và đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng nào từ phía Bộ Công Thương về việc phê duyệt điều chỉnh giá điện do biến động tỷ giá. Trong khi, tỷ giá ảnh hưởng nhiều đến chi phí nhiên liệu nhập khẩu và các chi phí hoạt động bằng ngoại tệ khác.
CEO MUFJ đề xuất, EVN thanh toán một phần chi phí bằng đồng USD và cần Chính phủ đảm bảo nhất định về khả năng chuyển đổi tiền tệ. Ngoài ra, cần có trọng tài quốc tế tham gia vào các vấn đề giải quyết tranh chấp. Mẫu PPA hiện tại chưa có điều khoản về việc cho phép bên cho vay can thiệp vào khi mà một trong hai bên tham gia gặp khó khăn về tài chính hoặc tệ hơn là phá sản. Việc tính toán chi phí cũng cần tính đến chi phí nhiên liệu đầu vào, vận chuyển.
Kinh nghiệm từ Mỹ
Về kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động hợp tác mua bán điện cũng như huy động tài chính cho việc sản xuất điện tái tạo, báo cáo của VBF đề cập tới kinh nghiệm từ Mỹ. Hợp đồng mua bán điện ra đời ở Hoa Kỳ vào những năm 1980, làm cơ sở cho các hợp đồng mua bán điện hiện nay. Những hợp đồng này xuất hiện sau khi Đạo luật về đơn vị phát điện tư nhân (PURPA) được ban hành vào năm 1978, thúc đẩy việc thành lập các nhà máy đồng phát điện có thể bán điện cho các công ty điện lực nhà nước.
Thông qua hợp đồng mua bán điện, các công ty điện lực nhà nước cam kết mua điện trong thời gian dài cố định, giúp các nhà máy đồng phát sử dụng các hợp đồng này làm thế chấp để thu xếp vốn.
Hợp đồng mua bán điện du nhập vào châu Âu vào đầu những năm 1990 khi ngành điện của Anh được tư nhân hóa. Điều này dẫn đến sự tách biệt giữa các công ty tư nhân sản xuất điện và các công ty phân phối điện. Sự thay đổi này đã dẫn đến sự xuất hiện của các dự án điện độc lập bán điện cho các công ty phân phối, thúc đẩy tính cạnh tranh trong sản xuất điện.
Hợp đồng mua bán điện là công cụ quan trọng thu hút nguồn tài chính cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, mang lại lợi ích cho cả hai bên tham gia hợp đồng. Các hợp đồng này mang lại cho các dự án năng lượng tái tạo nguồn doanh thu ổn định và có thể dự đoán được, điều này rất quan trọng để đảm bảo nguồn tài chính cho dự án.
So với loại hợp đồng mua bán điện truyền thống giữa công ty điện nhà nước và đơn vị phát điện từ các nguồn điện truyền thống, hợp đồng mua bán điện ngày nay đã có những điều chỉnh để trở nên phù hợp hơn vì nguồn điện từ năng lượng tái tạo có những rủi ro khác so với nguồn điện truyền thống. Các đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo không cần trả chi phí nhiên liệu đầu vào và sản xuất điện dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có và có tính chất biến động.
Theo VBF, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm về hợp tác mua bán điện cũng như huy động tài chính cho việc sản xuất điện từ Mỹ trong lộ trình phát triển quá trình chuyển đổi năng lượng.