Cứ vào mùa thu hoạch rộ lúa Đông Xuân lại thiếu hụt phương tiện vận chuyển thủy nội địa
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực-Thực phẩm XNK Miền Nam (Lương thực Miền Nam) cho biết, trước khi vào mùa thu hoạch lúa Đông Xuân công ty đã có kế hoạch triển khai thu mua và đã chuẩn bị 11 chiếc ghe và xà lan, mỗi chiếc có tải trọng từ 150-200 tấn để vận chuyển lúa. Hiện nay công ty đang mua lúa ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ) với sản lượng đạt khoảng 350-400 tấn/ngày (công ty không ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, đến vụ mới đi thu mua).
Nhờ tích cực thu mua công ty đã kịp thời giải phóng một lượng lúa đáng kể, chất lượng lúa không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi lượng lúa mua ngày càng lớn, cùng lúc công ty cũng mua thêm lúa từ Campuchia dẫn đến thiếu hụt phương tiện vận tải, nên lúa không đưa về lò sấy kịp thời.
“Mặc dù không bao tiêu mua lúa cho bà con nhưng trước thời điểm thu hoạch công ty đã chuẩn bị tốt phương tiện vận chuyển như ghe, tàu, xà lan, nhờ vậy, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ mua lúa cho bà con. Song, do phải chia phương tiện ra để chở lúa Campuchia về dẫn đến thiếu hụt nhưng lúc này lại không thể đi thuê mướn vì hầu như cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long không còn phương tiện thủy cho thuê”, ông Kiệt nói.
Mỗi khi vào mùa thu hoạch rộ lúa Đông Xuân là thiếu phương tiện vận chuyển, vấn đề này không mới mà đã có từ trước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt phương tiện trong vụ lúa này căng thẳng hơn, do nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long xuống giống lúa Đông Xuân đồng loạt để “né” hạn mặn, nhu cầu vận tải tăng cao đột ngột, cung không đáp ứng đủ dẫn đến lúa cắt xong phải nằm bờ ruộng nhiều ngày mới có thể đưa về lò sấy, điều này đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng lúa.
“Lượng lúa thu mua lớn quá, trong khi phương tiện của công ty có giới hạn nên bị thiếu. Chúng tôi mong muốn các công ty logistics có thừa phương tiện liên hệ với chúng tôi góp phần giải quyết tốt lượng lúa đang nằm bờ. Đây là cách vừa giúp nông dân mà cũng vừa giúp doanh nghiệp”, ông Kiệt kêu gọi.
Tham gia tích cực vào hoạt động thu mua lúa
Lúa thu hoạch vào bao nằm lại bờ ruộng sẽ có hai vấn đề: Thứ nhất, có thể xảy ra tình trạng mất cắp; thứ hai, ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo.
Để bảo đảm hạt lúa tươi trong bao không bị biến đổi chất lượng, sau khi thu hoạch trong vòng 24 giờ lúa phải được đưa vào lò sấy. Thời gian được gọi là thời gian “vàng” của chất lượng nhưng tình trạng thiếu hụt phương tiện logistics trầm trọng như hiện nay rất khó đảm bảo được chất lượng lúa gạo như mong muốn của nhà xuất khẩu.
Theo nhìn nhận của nhiều người “trong cuộc”, từ cò lúa đến thương lái và doanh nghiệp, năm nay lúa nằm đồng nhiều là do thiếu ghe chở lúa. Vận chuyển lúa bằng xe chỉ là giải pháp tình thế, do chi phí cao và chở không nhiều như ghe. Song, chủ ghe không muốn đầu tư tăng đội ghe có tải trọng lớn (100 tấn), vì khi hết vụ lúa là hết việc không có ai thuê.
Giải pháp nhằm giảm tắc nghẽn logistics khi vào vụ thu hoạch được nhắc đến là có thể trồng lúa rải vụ và không xuống giống đồng loạt. Tuy nhiên, với lối canh tác này cây lúa dễ bị dịch bệnh và còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kỹ thuật khác… Hay giải pháp khác có thể kể đến là đầu tư lò sấy và nhà máy xay xát giữa vùng nguyên liệu để rút ngắn logistics, tuy nhiên, ý tưởng này chỉ giải quyết đầu vào còn đầu ra lại vướng khâu vận chuyển.
Như vậy, vấn đề lớn nhất của vụ lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long không phải là giá hay vốn thu mua của doanh nghiệp mà là thiếu phương tiện vận tải khi vào thu hoạch rộ.
Theo AgroMonitor, cuối tuần qua toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, nguồn lúa về nhiều tại hầu hết các tỉnh/thành. Lúa chín nhiều nhưng thiếu phương tiện vận chuyển ở nhiều nơi, tại các khu vực lò sấy, nhà máy xay xát đều bị kẹt ghe, kẹt lò sấy, các ghe phải nằm chờ từ 2-5 ngày mới được sấy và xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng lúa.
Ước diện tích thu hoạch trong tuần qua khoảng 150-160 ngàn ha, tương đương 1 triệu tấn lúa, khoảng 570 - 580 nghìn tấn quy gạo, tăng khoảng 50% về lượng so với tuần trước đó.