Trong thư mời ngày 6/10, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) ra thông báo mời thầu nhập khẩu 500 ngàn tấm gạo loại 5% tấm. Trong đó, Bulog sẽ mua 200.000 tấn gạo từ Pakistan và 300.000 tấn gạo từ các nước: Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Thời gian giao hàng hạn chót là ngày 25/12/2023.
Nhận định về gói thầu Bulog, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng cho biết, sau khi Philippines áp trần giá gạo và đánh thuế gạo nhập khẩu thì giá gạo xuất khẩu Việt Nam có giảm đôi chút, nhưng sau đó họ bỏ áp trần giá nên giá gạo Việt Nam có tăng nhẹ, và bây giờ thêm gói thầu Bulog, 2 yếu tố này cộng lại sẽ làm giá gạo Việt Nam tăng vọt, nhưng hiện nay nguồn cung gạo trong nước đã cạn phải chờ thu hoạch vụ Thu Đông. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là giá gạo sẽ tăng lên như lúc này thì không một ai dám bán ra.
“Lúc này chắc cũng không có doanh nghiệp nào dám bán gạo, vì muốn bán phải có tồn kho mới bán, với diễn biến này chắc chắn giá gạo Việt Nam sẽ khó giảm, ngược lại có thể sẽ tăng thêm. Nhưng nếu tăng cao quá thì các nước khác sẽ giành lấy hết cơ hội bán gạo của Việt Nam, vì Bulog gọi thầu nhiều nước, không riêng Việt Nam”, ông Đôn nói.
Nhiều yếu tố tác động lên giá gạo
Đồng quan điểm ông Đôn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ Phước Thành 4 cho biết, thời gian qua có nhiều yếu tố tác động làm giá gạo trong nước tăng, như việc Philippines bỏ trần giá gạo, và phần nhiều doanh nghiệp bắt đầu mua đón đầu thị trường đẩy giá gạo tăng lên từ 500-700 đồng/kg. Trong khi đó khu vực miền Trung đã thu hoạch xong, nguồn hàng tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc bắt đầu cạn kiệt, nên lúa Thu Đông chủ yếu tiêu dùng nội địa, và các doanh nghiệp đang có nhu cầu mua vào đẩy giá gạo tăng lên.
Mặt khác, có một số doanh nghiệp đang thiếu hàng giao các hợp đồng đã ký nên tranh thủ mua vào, tuy nhiên mức tăng sẽ không nhiều, có lẽ vài ngày nữa cũng dừng lại nếu tăng lên quá cao các nhà nhập khẩu sẽ quay sang mua gạo của Thái Lan, Pakistan và Myanmar.
Thời điểm gạo chưa tăng giá, gạo Việt Nam chào bán 650-655 USD/tấn đã khó bán, giờ tăng giá phải chào bán giá 670-680 USD/tấn (đối với gạo OM 18, DT 8) lại càng khó bán hơn.
Trước đó, do áp trần giá gạo thương nhân Philippines không chịu nhận hàng nên lượng hàng đã mua còn tồn đọng lại rất nhiều, bây giờ bỏ trần giá gạo họ đẩy mạnh nhận hàng và doanh nghiệp Việt Nam đang giao hàng rất nhiều, đây cũng là yếu tố đẩy giá gạo Việt Nam tăng lên.
“Giá gạo 5% tấm loại thường của Việt Nam dao động khoảng 615-620 USD/tấn, nhưng Việt Nam lại không có hàng, vì các giống lúa làm gạo này hầu như nông dân đã bỏ gần hết, khiến thị trường đang khan hiếm, đã có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo 5% tấm thường nhưng do không mua được phải giao loại gạo 5% tấm giống OM 5451 giá từ 650-660 USD/tấn. Thường ký một hợp đồng bán gạo chỉ lãi khoảng 10 USD/tấn nhưng nay phải lỗ tới 30 USD tấn”, ông Thành nói.
Khi hỏi về gói thầu của 300.000 tấn gạo của Bulog dành cho Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, Giám đốc Phước Thành 4 cho biết công ty không tham gia chờ có chân hàng rồi mới tính tiếp, cùng với đó là Bulog ấn định thời gian giao hàng quá gấp gáp khó đáp ứng. Trong khi Việt Nam đã cạn nguồn cung và vụ Thu Đông chủ yếu dành nhu cầu phục vụ trong nước là chính.
“Phần lớn doanh nghiệp cạn hàng trong kho, sản lượng vụ Thu Đông lại rất ít, do hầu hết nông dân chuyển làm lúa hai vụ. Hiện các tỉnh miền Trung đã thu hoạch xong cách đây một tháng, nguồn hàng tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc bắt đầu cạn kiệt, nên lúa Thu Đông chủ yếu để tiêu dùng nội địa, và các doanh nghiệp đang có nhu cầu mua vào đẩy giá gạo tăng lên”, ông Thành nói.
Thông tin sơ bộ về gói thầu Bulog
Gói thầu Bulog kết thúc vào ngày 09/10/2023, dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 11/10/2023, tuy nhiên một số doanh nghiệp Việt Nam dự thầu cho biết, thầu 500 ngàn tấn gạo Bulog có kết quả như sau:
Thái Lan thắng 120 – 200 ngàn tấn, giá dao động từ 635 – 648 USD/tấn (giá CFR) giao hàng tại cảng Jakarta. Myanmar thắng 20 - 100 ngàn tấn gạo, giá trúng thầu 630 USD/tấn (giá CFR), giao hàng tại cảng Jakarta.
Pakistan được Indonesia ưu ái dành riêng gói thầu 200 ngàn tấn gạo nhưng chỉ thắng 80 ngàn tấn, với mức giá 620 USD/tấn (giá CFR), giao hàng tại cảng Jakarta.
“Điều đặc biệt là lần đầu tiên không một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu gạo Bulog, có thể do giá gạo Việt Nam đang rất cao so với các nước được gọi thầu Thái Lan và Myanmar. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể mất khách hàng truyền thống này nếu gạo cứ duy trì mức giá như hiện nay. Song, vấn đề đáng nói là giá gạo tăng cao nhưng lợi nhuận không thuộc về người nông dân mà lại rơi vào túi giới đầu cơ”, doanh nghiệp dự thầu nói.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2023 xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 884.177 tấn gạo, trị giá 462,606 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 17,66 lần về lượng và tăng gần 19 lần về giá trị.
Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Arief Prasetyo Adi (Indonesia) cho biết hôm thứ Hai (09/10), do hạn hán ảnh hưởng đến thu hoạch trong nước nên Indonesia sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo vào năm 2023. Hạn ngạch bổ sung này dựa trên hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo cho năm 2023 và thêm 300.000 tấn chuyển tiếp từ kế hoạch nhập khẩu năm ngoái.
“Trong số 1,5 triệu tấn bổ sung, đến nay Indonesia đã mua 600.000 tấn từ Thái Lan và Việt Nam, dự kiến giao hàng vào cuối năm nay”, ông Arief Prasetyo Adi nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.