Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã chính thức mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng loại 5% tấm cho doanh nghiệp từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia vào ngày 11/9/2023.
Có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam tham gia bỏ thầu nhưng chỉ duy nhất một doanh nghiệp ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trúng gói thầu 50.000 tấn gạo 5% tấm, cung cấp cho Bulog, nhờ doanh nghiệp này có sẳn chân hàng trong kho nên bỏ giá khá cạnh tranh. Trong khi các doanh nghiệp còn lại chào thầu xung quanh mức 700 USD/tấn nên bị rớt thầu.
Số doanh nghiệp trúng thầu còn lại, gồm doanh nghiệp Pakistan trúng 95.000 tấn; doanh nghiệp Thái Lan trúng từ 140.000 đến 155.000 tấn. Giá trúng thầu dao động từ 630 - 650 USD/tấn, giá CIF hàng giao tại cảng Jakarta.
Hiện giá gạo Việt Nam đang cao hơn các nước xuất khẩu khác, cước phí vận chuyển cũng cao. Được biết, cước vận chuyển gạo từ cảng ở TP. Hồ Chí Minh đi cảng Jakarta dao động từ 20 - 25 USD/tấn.
Kết quả trúng thầu cho thấy, giá gạo Việt Nam cao hơn các nước tham gia thầu nên tính cạnh tranh kém hơn họ, đặc biệt là Thái Lan, giá gạo của nước này rẻ hơn Việt Nam đến 10 USD/tấn, cước phí vận chuyển gạo từ Thái Lan đi cảng Jakarta cũng rẻ hơn cước phí vận chuyển của doanh nghiệp Việt Nam trên 10 USD/tấn. (chỉ khoảng 10 USD/tấn)
Nhận xét về gói thầu 300.000 tấn gạo của Bulog, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây cho biết, hiện giá thành gạo 5% tấm của Việt Nam tại cảng đã trên 600 USD/tấn, và gạo 5% tấm Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn, muốn thắng thầu thì doanh nghiệp mình đâu thể chào giá cao hơn Thái Lan được, nếu có thắng thầu này vẫn khó có lãi. Qua đó cho thấy, giá gạo Việt Nam đứng ở mức cao nhất chưa chắc đã tốt”, doanh nghiệp này nói.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện giá gạo 5% tấm trong nước khoảng 14.000 đồng/kg, cộng các chi phí khác quy ra giá thành gạo khoảng 15.500 đồng/kg. Cước vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi cảng Jakarta (Indonesia) khoảng 20 - 25 USD/tấn.
Với giá gạo hiện nay trên thị trường cộng cước vận chuyển sang cảng Jakarta thì giá gạo bán cho Bulog của gói thầu này là không có lãi, tuy nhiên vào cuối tháng 10, khi Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ lúa Thu Đông và thời gian này Ấn Độ cũng vào vụ thu hoạch, hy vọng họ sẽ mở cửa lại thị trường xuất khẩu gạo, khi đó giá gạo Việt Nam có thể sẽ quay về mức từ 1.000 - 1.500 đồng/kg thì hợp đồng bán gạo cho Bulog sẽ có lời.