Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 21/7/2023, khiến cho thương mại gạo toàn cầu nhận “cú sốc”. Ngày 25/8, Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo, bên cạnh các hạn chế hiện có đối với loại gạo trắng non-basmati, vào thời điểm giá đã gần đạt mức cao nhất trong 12 năm.
Sau cú sốc của Ấn Độ đối với thương mại gạo toàn cầu nổ ra, nay lại đến Pakistan có quy định áp giá sàn lên các loại gạo xuất khẩu.
Áp giá sàn lên các loại gạo xuất khẩu, ngăn thương nhân Pakistan xuất bán gạo giá rẻ
Trong nhóm 10 quốc gia có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới, Pakistan đứng thứ 6, sau Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù là quốc gia thường xuyên xảy ra các quốc khủng hoảng lương thực, nhưng Pakistan vẫn luôn duy trì hoạt động xuất khẩu gạo quốc tế, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất của đất nước này.
Theo một nhà xuất khẩu gạo ở An Giang, việc Pakistan áp giá sàn lên các loại gạo xuất khẩu có thể do giá sàn gạo basmati Pakistan hiện thấp hơn Ấn Độ 100 USD/tấn, gạo 5% tấm thường cũng thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam. Để kích thích nông dân trồng lúa nhiều hơn và Pakistan cũng sắp bầu tổng thống nhiệm kỳ mới, nhằm tranh thủ phiếu bầu của người dân, Chính phủ Pakistan đưa ra chính sách này để lấy lòng dân.
“Việc Pakistan áp giá sàn lên các loại gạo xuất khẩu không loại trừ mục đích ngăn thương nhân Pakistan xuất bán gạo ào ạt giá rẻ, vì so với các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Việt Nam thì giá gạo của Pakistan là thấp nhất”, doanh nghiệp này nói.
Dẫn nguồn từ Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam có giá 628 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày 6/9.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá 618 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn, so với trước đó một ngày. Gạo 5% tấm của Pakistan có giá 608 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn.
Đối với loại gạo 25% tấm, gạo Việt Nam đứng mức 613 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày 6/9, gạo 25% tấm Thái Lan 563 USD/tấn, giảm 12 USD/tấn, gạo 25% Pakistan giá 538 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn.
Một nhà Phân tích thị trường gạo xuất khẩu cho biết, kể từ ngày 25/8, Ấn Độ áp mức thuế 20% lên gạo đồ xuất khẩu đã đẩy mặt bằng giá loại gạo này tăng cao. Giá gạo đồ tăng cao khiến nhu cầu từ thị trường quốc tế đối với gạo đồ Ấn Độ giảm xuống so với giai đoạn trước. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm Thái Lan giảm xuống mức 615 - 635 USD tấn so với mức 630 - 635 USD/tấn tuần trước.
“Đầu tuần giá gạo 5% tấm Thái Lan ở mức khá cao 630 - 635 USD/tấn, nhưng giảm mạnh xuống mức 615 - 620 USD tấn vào cuối tuần. Do giá gạo nội địa của nước này giảm xuống các nhà xay xát đã không còn đủ nguồn lực tài chính để mua lúa, trong khi các nhà xuất khẩu vẫn còn hàng tồn kho và không sẵn sàng mua với giá cao”, nhà phân tích nói.
Sắc lệnh số 39 về việc áp giá cần bán lẻ gạo nội địa sẽ được dỡ bỏ khi giá cả được cải thiện
Tuần qua Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam đã ra Sắc lệnh số 39 (EO 39) về việc áp giá cần bán lẻ gạo nội địa. Chính sách này đã có tác động đến thị trường gạo Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đồng loạt giảm mạnh so với tuần trước. Ngày 31/8, đa số thương nhân Philippines đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chậm giao các lô hàng cũ đã ký từ trước và chưa có ý định ký thêm lượng giá mới.
Ngày 4/9, tại Manila, Chính phủ Philippines đã tổ chức cuộc họp thảo luận các vấn đề liên quan đến nhập khẩu gạo của nước này, và đưa ra các giải pháp tốt nhất để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan.
Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đưa ra một số nguyên tắc để các nhà nhập khẩu tham khảo, như: Gạo cao cấp và gạo đặc sản được miễn trừ trong EO 39. Siêu thị và cửa hàng tạp hóa nằm trong chỉ đạo của chính phủ. DA sẽ đưa ra các thông số, các tiêu chuẩn trên EO 39. Đặc biệt, gạo dự trữ trong nhà máy xay xát quá 3 tháng được coi là tích trữ. Việc triển khai EO 39 sẽ được chính phủ dỡ bỏ khi nhận thấy giá cả được cải thiện.
Theo chuyên gia ngành gạo, khi Ấn Độ tạo ra cú sốc cho thị trường gạo thế giới thì quốc gia được chú ý nhiều nhất là Philippines, vì tình trạng dự trữ gạo của nước này rất quan trọng, và Philippines cũng thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, mặc dù triển vọng vụ mùa ở Việt Nam có vẻ tốt, nhưng luôn có nguy cơ chính phủ có thể hạn chế xuất khẩu để đối phó với tình trạng tích trữ trong nước.
Việt Nam - Philippines thỏa thuận nhập khẩu gạo trong 5 năm
Nhằm bảo đảm nguồn cung gạo tại Philippines được ổn định, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia hôm thứ Năm về thỏa thuận nhập khẩu gạo trong 5 năm.
Văn phòng Truyền thông của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. cho biết, Tổng thống rất hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về thỏa thuận nhập khẩu gạo trong 5 năm, cho rằng điều này sẽ giúp ổn định nguồn cung và giá gạo không chỉ cho Philippines mà cho toàn bộ khu vực trong bối cảnh nguồn cung gạo biến động hiện nay.
“Chúng tôi sẽ làm việc liên tục để đạt được thỏa thuận về nhập khẩu gạo của Philippines và tôi rất tin tưởng rằng chúng tôi sẽ một lần nữa đi đến thống nhất và đồng ý,” Tổng thống cũng đồng thời giữ chức vụ đứng đầu Bộ Nông nghiệp (DA), cho biết.
Tổng thống Marcos cho biết ông mong muốn thỏa thuận được hoàn tất, có tính đến biến động giá gạo trên thị trường địa phương và các mối đe dọa do hiện tượng El Niño gây ra.
Các thương nhân Việt Nam được cho là đã đưa ra báo giá thấp hơn 30-40 USD/tấn, so với ước tính trước đó trong cuộc gặp với các quan chức DA vào tháng 8. Điều này được coi là mở đường cho việc nhập khẩu từ 300.000 đến 500.000 tấn gạo, tăng cường tồn kho quốc gia để kéo dài từ 52 đến 57 ngày vào cuối năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 4,84 triệu tấn gạo sang Philippines, trị giá 2,58 tỷ USD. Số liệu thống kê cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu đã xuất khẩu được 5,789 triệu tấn gạo, giá trị 3,146 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 20,26% về lượng và tăng 34,31% về kim ngạch.