Cụ thể, trong phiên 25/9, NHNN đã chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, có 9/9 thành viên tham gia trúng thầu 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu và không có khối lượng đáo hạn trong phiên hôm qua. Đồng thời, NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 14.999,99 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong phiên 25/9.
Trong phiên 24/9, NHNN chào thầu 25.000 tỷ đồng trên kênh OMO với kỳ hạn và lãi suất tương tự. Kết quả, có 23.046,31 tỷ đồng trúng thầu. Sau khi cấn trừ với lượng OMO đáo hạn, NHNN đã bơm ròng 22.522,22 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong phiên 24/9.
Hiện, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành bằng 0, trong khi OMO lưu hành là 40.021 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đang duy trì trạng thái bơm ròng hơn 40.000 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 9.
Trước đó, NHNN liên tục duy trì lượng OMO chào thầu mức 3.000 tỷ trong các phiên trước đó và lượng trúng thầu cũng chỉ vào khoảng vài trăm tỷ/phiên.
Ngân hàng tăng mạnh lượng OMO chào thầu trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng những phiên gần đây. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 24/9 đã tăng lên 4,22% từ mức 3,21% trước đó một tuần. Lãi suất các kỳ hạn khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đã tăng 0,4 – 1 điểm % trong cùng thời gian trên.
Việc tăng quy mô cho vay OMO cho thấy sự nhất quán của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trước đó, cơ quan này đã có loạt động thái mang tính nới lỏng trong thời gian gần đây.
Mới nhất, NHNN đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm trong phiên 16/9, từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8.
Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hạ lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch 5/8.
Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024, khi NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024 (từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%).
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Theo giới phân tích, các động thái của NHNN cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Đồng thời, sự điều chỉnh của NHNN cũng được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh tỷ giá giảm sâu trong những tuần gần đây và Fed đã hạ lãi suất cơ bản 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 9.
Sau các hoạt động điều chỉnh của NHNN, Chứng khoán Vietcombank dự báo thanh khoản VND trên hệ thống ngân hàng thương mại có thể dồi dào hơn so với giai đoạn trước đây. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ghi nhận những dấu hiệu khả quan, cùng định hướng của nhà điều hành, VCBS kỳ vọng thanh khoản sẽ ổn định và dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng có thể giảm trở lại.
Về phía các ngân hàng, các động thái mang tính nới lỏng của NHNN sẽ giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, thúc đẩy hoạt động cho vay trong giai đoạn cuối năm. Trước đó, NHNN cũng đã thông báo kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu phân bổ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, ngày 21/9, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc OCB cho rằng: Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất tốt vai trò của mình khi điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là việc giảm lãi suất OMO và lãi suất điều hành", đại diện OCB cho hay.