Ngày 29/8/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo phát hành thành công mã trái phiếu ACBL2426008 với tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Mã trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 22/8/2026, mua lại theo thỏa thuận và không hoán đổi với lãi suất theo HNX công bố là 5,5%/năm.
Mức lãi suất 5,5%/năm hiện cao hơn mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng của ACB đang công bố.
Ngày 29/8/2024, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) thông báo phát hành thành công mã trái phiếu VIBL2427003, kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng với lãi suất theo công bố của HNX ở mức 5,2%/năm.
Mức lãi suất 5,2%/năm cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,9%/năm mà VIB đang công bố.
Ngày 26/8/2024, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng thông báo phát hành thành công mã trái phiếu CTGL2439010 có tổng giá trị phát hành 125 tỷ đồng với kỳ hạn lên đến 15 năm kể từ ngày phát hành 23/8/2024. Mã trái phiếu này của Vietinbank có lãi suất theo công bố của HNX là 6,5%/năm.
Mức lãi suất 6,5%/năm cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7%/năm mà Vietinbank đang công bố.
Ngày 29/8/2024, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng thông báo phát hành thành công mã trái phiếu LPBL2431001 có tổng giá trị phát hành 400 tỷ đồng, đáo hạn vào 23/8/20231 với lãi suất theo công bố của HNX là 7,58%/năm.
Mức lãi suất 7,58%/năm cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lãi trả cuối kỳ ở mức 5%/năm mà LPBank đang công bố.
Ngoài ra, mới đây, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng đang chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9% một năm. Từ năm thứ hai, lãi suất lô trái phiếu này được tính theo công thức lãi tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%.
Lô trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và BVBank sẽ thực hiện quyền mua lại từ thời điểm tròn 24 tháng từ ngày phát hành. Lãi suất trái phiếu sẽ được trả định kỳ hằng năm cho nhà đầu tư.
Trong năm 2024, nhà băng này cũng có thêm một đợt phát hành thứ hai, dự kiến chào bán 7 triệu trái phiếu trong tháng 10. Đây là các đợt chào bán nằm trong kế hoạch phát hành 56 triệu trái phiếu, tương đương huy động 5.600 tỷ đồng từ nay đến đầu năm 2026.
Cuối tháng 8, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cũng vừa hoàn tất kế hoạch phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ ra công chúng. Lãi suất lô trái phiếu này bằng lãi tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng tham chiếu cộng biên độ 2,8%, với kỳ thanh toán đầu tiên dự kiến gần 7,5% một năm.
Cách đây không lâu, một nhà băng quốc doanh khác là Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn (Agribank) cũng đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư trong một tháng.
Lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Agribank này có lãi suất năm đầu lên gần 6,7% một năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2% một năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3% một năm.
Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng khác như BIDV, VPBank, MB, BIDV, ACB, OCB... từ đầu năm đến nay cũng đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi suất dao động từ 5,5% đến 6,5% một năm.
Thống kê của VIS Rating trong nửa đầu năm 2024 cho biết, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 202.4000 tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.
FiinRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có một năm bận rộn hơn các năm trước. Giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng theo FiinRatings, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.