Thông tin này do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Đức (Naturland) phổ biến tại buổi họp báo “Từ Nông Trại tới Bàn Ăn: Tương lai bền vững với Nông nghiệp Hữu cơ theo tiêu chuẩn của châu Âu”.
Tại đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Albin Deforges, Đại diện Naturland tại Việt Nam, tìm hiểu sâu hơn về canh tác hữu cơ ở Việt Nam và đầu ra của sản phẩm.
Phóng viên: Ông vui lòng giới thiệu đôi nét về nông nghiệp hữu cơ tại châu Âu, và ông nhận xét như thế nào về canh tác hữu cơ ở Việt Nam?
Ông Albin Deforges: Trong một năm rưỡi qua phát triển nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu có giảm một chút nhưng quy mô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù không phải là điểm xuất phát nông nghiệp hữu cơ nhưng châu Âu đang là nơi có rất nhiều đơn vị tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Úc là nước sản xuất hữu cơ nhiều nhất vì họ có lợi thế đất đai.
Tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ vẫn còn khá mới, tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhờ đa dạng về các kiểu khí hậu và đất đai, có thể trồng được nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Quan sát thị trường tôi thấy người tiêu dùng châu Âu và một số nước khác có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.
Ví dụ, tháng 2 vừa rồi tôi có tham gia hội chợ Biofach - hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ tại CHLB Đức. Tại đây có một gian hàng của Việt Nam với hơn một chục doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu những sản phẩm như: gia vị, cà phê, tiêu, điều. Các sản phẩm này được doanh nghiệp các nước rất quan tâm, mặc dù gia vị, cà phê và hạt điều đã có trên thị trường của các nước nhưng họ vẫn có nhu cầu tiếp cận sản phẩm của Việt Nam.
Phóng viên: Theo ông, sản xuất nông nghiệp hữu cơ khác với sản xuất nông nghiệp sạch, vậy làm thế nào phân biệt được sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm nông nghiệp sạch?
Ông Albin Deforges: Việt Nam cũng có quy định về sản phẩm hữu cơ, tuy nhiên mọi người vẫn đang đánh đồng sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch như nhau, có một điều khác biệt là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở các nước đều có luật quy định. Nông dân muốn được dán nhãn nông nghiệp hữu cơ phải thì sản phẩm của họ phải đạt được các tiêu chuẩn và nguyên tắc do tổ chức chuyên về hữu cơ chứng nhận.
Ở Việt Nam khi nói đến sản phẩm sạch là sản phẩm không dùng thuốc trừ sâu, đây là xuất phát điểm khá tốt nhưng không sử dụng thuốc trừ sâu có thực sự là sản phẩm tốt cho sức khỏe? Khi người nông dân nói rằng, sản phẩm của họ tốt, vì có thể họ đang canh tác theo tiêu chuẩn, nguyên tắc của canh tác hữu cơ nhưng không có bằng chứng hay một hệ thống tham chiếu nào để chứng minh và đảm bảo với người tiêu dùng đây là sản phẩm là sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Như vậy, điểm khác biệt là phải có một khung tham chiếu, có phương pháp giám định để người tiêu dùng có lòng tin vào sản phẩm họ đang sử dụng như là sản phẩm tốt.
Phóng viên: Theo Naturland, để được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gồm các tiêu chuẩn gì?
Ông Albin Deforges: Đây là một câu hỏi khá rộng, để chứng nhận sản phẩm hữu cơ còn tùy thuộc vào từng loại cây trồng, Naturland có chứng nhận khác nhau cho từng loại cây trồng khác nhau và có tiêu chuẩn dành riêng cho sản phẩm thủy, hải sản.
Nói một cách bao quát nhất, tiêu chuẩn đầu tiên của Naturland là nông trại không được sử dụng các thuốc trừ sâu hay phân hóa học, và yếu tố thứ hai để chúng tôi cấp chứng nhận cho một nông trại nào đó thì nông trại đó phải là nông trại hữu cơ hoàn toàn. Tất cả các nông trại được tiêu chuẩn của Naturland phải chuyển đổi hoàn toàn sang canh tác hữu cơ.
Yếu tố thứ ba cũng là tiêu chuẩn toàn cầu, chúng tôi đòi hỏi cao các tiêu chí liên quan đến con người và xem xét thù lao người lao động nhận được có công bằng hay không và các lợi ích mà họ nhận được.
Phóng viên: Do giá cao nên đầu ra của sản phẩm hữu cơ chưa được phổ biến rộng rãi, chỉ thu hẹp trong giới thu nhập cao. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ giải pháp tốt nhất giá bán phải cạnh tranh, nhưng vẫn đảm bảo người nông dân có lãi, để làm được điều này Naturland có giải pháp gì?
Ông Albin Deforges: Tại châu Âu chênh lệch giá giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm thông thường không quá lớn nhưng ở Việt Nam thì sự chênh lệch này vẫn còn khá lớn.
Tôi muốn chia sẻ thêm là nhiệm vụ của Naturland không chỉ tập trung vào việc cấp chứng nhận canh tác hữu cơ mà còn tập trung vào việc phát triển canh tác theo hướng hữu cơ ở Việt Nam và khi làm việc với nhiều nông dân tôi biết họ đang quan tâm và muốn chuyển sang canh tác theo phương pháp hữu cơ, vì họ biết rằng canh tác truyền thống sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu sẽ gây hại cho bản thân, gia đình và môi trường.
Tôi cũng hiểu rằng người nông dân cần phải đảm bảo sinh kế trước mắt, họ không thể chờ sau mấy năm đầu tư mới có lợi nhuận và thời gian chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ cũng là một vấn đề khá phức tạp. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng có phương pháp canh tác thay thế khác.
Ví dụ, canh tác theo PGS, đây là hệ thống chứng nhận nông nghiệp hữu cơ dành cho các nông hộ quy mô nhỏ, không cần thuê bên thứ ba kiểm tra cấp chứng nhận canh tác hữu cơ nên chi phí liên quan đến chứng nhận hữu cơ sẽ giảm đi, giúp họ bán sản phẩm với giá cạnh tranh so với sản phẩm có chứng nhận hữu cơ, nhưng không thấp như sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm này là thực hành theo nguyên tắc nông nghiệp hữu cơ, còn người tiêu dùng thì có được sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ thay thế mà không cần dán nhãn hữu cơ tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu hay nhãn của Naturland.
Việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ không có công thức nhất định, tùy từng địa phương để có những cách tiếp cận khác nhau. Thời gian chuyển đổi có thể lâu nhưng sau khi chuyển đổi thành công, người nông dân có được sản lượng cao và giá bán hợp lý hơn, lợi nhuận sẽ cao hơn so với cái thời điểm ban đầu.
Để ngày càng có nhiều người thực hành canh tác hữu cơ hơn, mang lại nhiều lợi ích cho con người và môi trường, Naturland chú trọng phát triển năng lực canh tác hữu cơ, hỗ trợ nông dân Việt Nam phương pháp, kỹ thuật và những vấn đề liên quan đến canh tác hữu cơ, trong quá trình đó nguồn thu của họ vẫn được duy trì bằng những phương pháp đa dạng sinh học. Đó là mục đích chính khi chúng tôi đến Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!