Vượt qua Thái Lan, Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng số 1 tại Trung Quốc
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 32.750 tấn sầu riêng vào Trung Quốc, trị giá hơn 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Thái Lan chỉ xuất khẩu vào Trung Quốc 19.614 tấn, giảm hơn 50% về số lượng.
Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã vượt qua Thái Lan và tăng từ gần 32% lên 57%, Philippines chỉ chiếm 1% thị phần, bình quân giá xuất khẩu sầu riêng tươi Thái Lan là 6.133 USD/tấn, Việt Nam là 4.916 USD/tấn, Philippines 3.075 USD/tấn.
Theo tính toán, nếu số lượng mã số vùng trồng nhiều hơn và Nghị định thư của sầu riêng đông lạnh được phê duyệt sớm thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt từ 3 - 3,5 tỷ USD so với mức 2,2 tỷ USD của năm ngoái.
Việt Nam hiện có hơn 112.000 ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 863.000 tấn và đang tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ tạm thời vượt qua Thái Lan bởi nước này chưa vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng. Mặt khác, giá sầu riêng Việt Nam xuất vào Trung Quốc cũng còn thấp hơn đáng kể so với sầu riêng Thái Lan.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I/2024 đạt 1,25 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm từ 40 - 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
“Yếu tố thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả quý I/2024 tăng trưởng mạnh là nhờ sầu riêng nghịch vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long, và đến tháng 5 là cao điểm sầu riêng chính vụ ở miền Tây, tháng 6 thì Đồng Nai vào vụ, tiếp sau Đồng Nai là đến Tây Nguyên. Như vậy sầu riêng Việt Nam sẽ có mặt quanh năm suốt tháng ở thị trường Trung Quốc. Dự tính, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong các tháng 5 và 6 sẽ tăng mạnh, do sầu riêng ở miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ vào vụ”, ông Nguyên nói.
Biểu đồ xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 cho thấy các tháng 5, 6, và tháng 9, 10 kim ngạch tăng rất mạnh và đạt mức cao nhất, thậm chí cao điểm đạt từ 800-900 triệu USD/tháng, có được kết quả này nhờ sự đóng góp lớn của mặt hàng sầu riêng. Dự kiến, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ cao hơn năm rồi vì mã số vùng trồng được Trung Quốc cấp đã tăng lên gấp đôi so với năm ngoái, cùng với đó là sản lượng sầu riêng mỗi năm tăng lên khoảng 20%.
Từ tháng 5/2024, ngoài Thái Lan, sầu riêng Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh Malaysia
Malaysia đang nỗ lực mở cửa xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc và kỳ vọng đạt được điều này vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 05/2024. Không chỉ vậy, nước này còn ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) thiết lập đường bay chuyên vận chuyển sầu riêng từ Kuala Lumpur đến Trịnh Châu (Trung Quốc), thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng tươi của nước này. Qua đó cho thấy tính cạnh tranh của mặt hàng sầu riêng tại thị trường Trung Quốc trong tương lai khá khắc nghiệt.
Theo Tổng thư ký Vinafruit, trước đây Trung Quốc chỉ cấp phép cho sầu riêng tươi của Thái Lan và Việt Nam, còn Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh nhưng kể từ tháng 5/2024, Trung Quốc cho phép Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi, như vậy, ngoài Thái Lan, sầu riêng Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh Malaysia, khi đó người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có thêm sự lựa chọn, khi đó nhu cầu của họ đối với hàng Việt sẽ không còn cao như năm 2003. Để giữ vững thị phần tại thị trường tỷ dân này, người nông dân cần tăng cường chất lượng và đừng “hét” giá quá cao, khiến thương nhân Trung Quốc đi tìm nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn để mua hàng.
“Trung Quốc đã ký độc quyền xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Thái Lan, vì vậy, trước khi cho Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang họ phải rất cân nhắc. Ngoài ra, còn có những quy định về điều kiện kỹ thuật đông lạnh, kỹ thuật chất lượng đóng gói... và quan trọng là giải trình như thế nào để khi Trung Quốc sang kiểm tra quy trình sản xuất họ thấy an toàn thì sẽ đồng ý ngay”, ông Nguyên nói.
Để sầu riêng tươi giữ vững thị phần ở thị trường tỷ dân, ngành nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ vùng trồng, nâng cao chất lượng sầu riêng bởi đây là nhiệm vụ mang tính sống còn trong cuộc cạnh tranh mở rộng thị phần sầu riêng tại thị trường Trung Quốc.
Vinafruit dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt ít nhất 6 tỷ USD, trong trường hợp Cục Bảo vệ thực vật ký được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì kim ngạch sẽ tăng thêm, nhưng do lo ngại khả năng chế biến của các nhà máy đông lạnh Việt Nam không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường nên ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 6,5 tỷ USD.