Xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo khoa học, phù hợp với kinh tế thị trường
Thẳng thắn nhận diện những khó khăn, thách thức, các điểm nghẽn cần khắc phục cũng như đề xuất các giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ để giải quyết các thách thức của ngành lúa gạo là mục tiêu hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững”, do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức vào sáng nay (13/12).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định: “Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023”.
Thời gian qua, sản xuất lúa gạo đã hình thành một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kết nối sản xuất nông dân với thị trường, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ... Tuy nhiên, để phát triển thực chất các chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam theo hướng trách nhiệm và bền vững thì vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Do vậy, ông Hoàng Trung mong muốn hội thảo sẽ cùng bàn luận các vấn đề như: Tình trạng các mắt xích trong chuỗi giá trị chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của liên kết sản xuất, chưa chuyển đổi tư duy theo hướng thị trường, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lúa gạo Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia xuất khẩu khác, cộng với hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng được nâng cao.
“Ngành hàng lúa gạo Hậu Giang có nhiều cơ hội để phát triển thành ngành kinh tế chủ lực, tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, việc phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo khoa học, bền vững thực sự cần thiết, phù hợp với kinh tế thị trường. Do vậy, tại Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, năm 2024, Hậu Giang tham gia 28.000ha, đến năm 2025 tăng lên 48.000ha”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói.
Là nhà khoa học gắn bó với nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và là một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Diện tích có xu hướng giảm nhưng năng suất, chất lượng ngày càng tăng, giá trị xuất khẩu gạo cũng được tăng lên. Ngành hàng sản xuất lúa gạo đã tạo ra việc làm, sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân, sản lượng gạo xuất khẩu luôn được giữ vững và tăng thêm.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế của ngành hàng lúa gạo vẫn chưa được khắc phục triệt để, như sản xuất còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai sẽ giải quyết nhiều yếu tố mà ngành hàng lúa gạo đang đặt ra.
“Sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với thách thức là nguồn nước, một là lũ không còn diễn ra theo quy luật, hai là mặn xâm nhập ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để giảm phát thải và bán tín chỉ các bon để có thêm nguồn lực đầu tư cho nông dân sản xuất lúa gạo”, ông Tùng nói.
10 điểm nghẽn chính ảnh hưởng đến việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo
Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Phú Sơn, Trường Kinh tế (Trường Đại học Cần Thơ) phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững đang có 10 điểm nghẽn chính. Điểm nghẽn đầu tiên là các bên tham gia chưa nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình linh động, và phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc, chính vì vậy, mục tiêu liên kết chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết chỉ mang tính thời vụ.
Điểm nghẽn nữa là tư duy sản xuất kinh doanh của các bên trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị. Điểm nghẽn này thể hiện rõ rệt nhất trong khâu thương thảo ký kết hợp đồng và trong khâu thu mua sản phẩm lúa.
“Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết. Mỗi khi thị trường tốt lên, phía người nông dân có xu hướng bán lúa với lượng ít hơn như trong hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp. Ngược lại, mỗi khi thị trường xấu đi, nông dân có xu hướng bán với lượng lúa nhiều hơn, hoặc doanh nghiệp quay mặt lại với nông dân, điều này tạo nên tính không bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo”, ông Sơn nhấn mạnh.
Điểm nghẽn tiếp theo chính là năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường của cá nhân, tổ chức nông dân còn rất hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, cũng như làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập vào các thị trường cao cấp, gây khó khăn nhất định trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.
Hiện nay ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu, bởi thiếu dự báo thị trường tốt sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của tất cả các tác nhân trong chuỗi.
Cùng một số điểm nghẽn khác, trong đó có vấn đề Chính phủ chưa có những chính sách chế tài nghiêm minh đối với những trường hợp sản xuất trái với quy hoạch ngành, kinh doanh vật tư và hàng hóa giả, kém chất lượng, kinh doanh vi phạm bản quyền nhãn hiệu, bao bì của tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh khác đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị, làm cho chuỗi giá trị trở nên kém bền vững.
“Để giải quyết các điểm nghẽn nêu trên, cần có 04 giải pháp, đó là: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Phú Sơn đề xuất.