Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), tháng 10/2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt sơ bộ 699,034 triệu USD, tăng 4,7 % với tháng trước và tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 4,912 tỷ USD, tăng 78,4 % so với cùng kỳ năm 2022.
Sầu riêng giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả về đích sớm
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 và 12 dự kiến đạt trên dưới 700 triệu USD, cộng với kim ngạch của 10 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 đạt từ 5,5 – 5,8 tỷ USD. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 4 tỷ USD, năm 2024 là 4,5 tỷ USD đến năm 2025 là 5 tỷ USD, nhưng năm 2023 xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 5,5 – 5,8 tỷ USD, như vậy đã về đích trước 2 năm.
“Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt ít nhất 2,5 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Như vậy, có thể khẳng định xuất khẩu rau quả về đích trước 2 năm là nhờ vào mặt hàng sầu riêng. Hai tháng cuối năm sầu riêng chỉ còn một ít ở Gia Lai và một số diện tích trái vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long nên khả năng tháng 11 và tháng 12/2023 xuất khẩu rau quả chỉ đạt trên dưới 350 USD/tháng.
Song, có khả năng xuất khẩu thanh long vào hai tháng cuối năm sẽ tăng lên do nhu cầu ở thị trường Trung Quốc tăng cao, thương lái Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu nội địa”, ông Nguyên nói.
Theo dự kiến của Vinafruit, năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt gần 6 tỷ USD, năm 2024 có thể vượt qua mức 6 tỷ USD, dư địa tiêu thụ sầu riêng ở thị trường này còn rất lớn, vì mỗi năm tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng lên 10% và nhiều người nhận định khả năng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay.
Năm 2024, mặt hàng sầu riêng có thêm thuận lợi và có khả năng đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 6 tỷ USD trở lên, vì nông dân trồng sầu riêng gối đầu nên diện tích tăng thì sản lượng thu hoạch sẽ càng tăng cao nên diện tích đưa vào thu hoạch năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, và năm 2025 sản lượng lại cao hơn nữa. Bên cạnh đó, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và thị trường cũng sẽ được mở rộng thêm.
“Những mặt hàng Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc có khả năng sang năm 2024 đi vào thực hiện như dừa tươi và sầu riêng đông lạnh, khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, vì hiện nay sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc đạt 3,5 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất tươi đã xấp xỉ 2,5 tỷ USD, nếu có thêm sầu riêng đông lạnh chắc chắn kim ngạch sẽ tăng cao hơn Thái Lan, vì hàng đông lạnh có giá bán cao hơn hàng tươi nên giá trị mang về cũng sẽ cao hơn”, Tổng thư ký Vinafruit nói.
6 tỷ USD có phải là mức đỉnh của kim ngạch xuất khẩu rau quả?
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 6 tỷ USD có thể gọi là đỉnh và sang năm 2024 sẽ đi xuống, tuy nhiên, theo Vinafruit chưa có dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả đi xuống.
Ông Nguyên cho biết, ngoài việc mở rộng thị trường thì năm 2024 sẽ có những thuận lợi hơn như mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu rau quả. Dự kiến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 6 – 6,5 tỷ USD trở lên.
Bên cạnh đó logistics cũng là yếu tố giúp xuất khẩu rau quả được thuận lợi hơn, Thái Lan và Malaysia phải mất hơn tuần mới đưa hàng đến Trung Quốc, riêng Việt Nam rất thuận lợi về logistics nên giá cước vận chuyển sang Trung Quốc rất cạnh tranh, thời gian vận chuyển cũng rất nhanh so với các nước khác.
Hiện nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đi thị trường Mỹ, châu Âu và Australia... khi thị trường Trung Quốc mở ra nhu cầu cao thì doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư.
Hiện Trung Quốc đang nhập khẩu sầu riêng đông lạnh của Thái Lan và Malaysia, còn Việt Nam và Philippines cũng như một số nước khác chỉ được xuất tươi, và Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường này. Nếu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam được phép xuất sang Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng rất tốt.
“Trên thực tế, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân này. Năm 2025, khi đường cao tốc xuyên suốt từ miền Tây đến các cửa khẩu phía Bắc hoàn thành, sẽ kéo giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển hơn nữa, tạo lợi thế và tăng tính cạnh tranh cho rau quả Việt Nam xuất khi sang thị trường Trung Quốc trong đó có sầu riêng”, ông Nguyên nói.