Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, đại diện Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Cục đường thủy nội địa Campuchia và hơn 400 doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics Campuchia, Việt Nam.
Phát triển logistics Việt Nam - Campuchia còn nhiều dư địa
Campuchia nằm ở vị trí “vàng” trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, là điểm hội tụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực. Nhờ vị trí chiến lược trong khu vực Đông dương và Đông Nam Á nên Campuchia ngày càng thu hút các nhà đầu tư FDI. Tổng vốn FDI vào Campuchia năm 2021 là 3.48 tỷ USD và năm 2022 là 3.58 tỷ USD.
Việt Nam với lợi thế có chung đường biên giới dài hơn 1.130km, thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia liên tục tăng trưởng, giúp logistics giữa hai nước luôn được thúc đẩy và không ngừng phát triển, liên kết ngày càng sâu rộng hơn trong thời gian vừa qua.
Thương mại song phương Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2015-2022 tăng bình quân 18,5%/ năm, đặc biệt, kim ngạch thương mại năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ 79% so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn và quan trọng tại Campuchia, giúp hàng hóa Campuchia dễ dàng tiếp cận các khu vực cảng biển trọng điểm, xuất khẩu thuận lợi đến các nước trên thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) nhìn nhận, tiềm năng phát triển logistics Việt Nam - Campuchia vẫn còn rất lớn, có khả năng tăng cường kết nối để tạo ra một hệ thống logistics hiệu quả và liền mạch hơn, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế ở cả hai phía biên giới.
Việt Nam và Campuchia vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác nhau như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến nông lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và tiềm năng, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần có sự chung tay tháo gỡ của không chỉ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương mà còn sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia nhất là các quy định liên quan đến thủ tục Hải quan cho hàng quá cảnh và các loại phí.
Những kiến nghị, giải pháp đề xuất của các chuyên gia logistics trong hội thảo sẽ góp tăng cường kết nối, phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics tuyến Việt Nam – Campuchia, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt và hiệu quả.
Tối ưu hóa chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia
Trong chiến lược của TCSG, hoạt động logistics tuyến Việt Nam – Campuchia, mở rộng và phát triển thị trường ở Campuchia cũng như các nước trong khu vực được ví như “mạch máu” của công ty.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam năm 2022, sản lượng hàng quá cảnh bằng đường thuỷ “giải pháp vận tải xanh” kết nối Việt Nam – Campuchia qua sông Mekong là hơn 394,000 Teu; trong đó, TCSG chiếm thị phần vận tải bằng đường thuỷ là 56% đối với hàng nhập khẩu và 49% hàng xuất khẩu.
Hiện TCSG đang sở hữu cụm 03 cảng: Cảng Tân cảng – Cái Mép; Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép và Cảng Tân cảng – Cái Mép Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng Tân cảng Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh có vai trò là cảng trung chuyển và quá cảnh, là “cầu nối” quan trọng cho hàng hóa của Campuchia kết nối với thế giới.
“TCSG sẽ cùng các đối tác hãng tàu, các hiệp hội logistics trong nước và quốc tế cung cấp các dịch vụ tốt nhất với chính sách cạnh tranh cho các khách hàng, giúp các doanh nghiệp ở cả hai nước tiết kiệm tối đa chi phí logistics”, ông Bùi Văn Quỳ nói.
Mặt khác, với dịch vụ vận tải sà lan tuyến HCM/Cái Mép-Phnom Pênh, cung cấp bởi Công ty CP Tân Cảng Cypress và Công ty CP vận tải thủy Tân Cảng, doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics.
Cùng với đó, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp gần với khu vực mậu biên cửa khẩu Mộc bài và Hoa Lư có thể sử dụng các dịch vụ vận tải bộ của Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh. TCSG cũng sẽ sớm xây dựng và đưa vào hoạt động ICD Tân cảng Tây Ninh cách Cảng tại TP. Hồ Chí Minh 70 km và cửa khẩu Mộc bài 2.8km.
“Đây là địa điểm lý tưởng để thực hiện các dịch vụ logistics và giao nhận hàng hóa xuyên biên giới, dịch vụ depot điều phối container rỗng giúp cho các doanh nghiệp tại khu kinh tế gần cửa khẩu của cả 2 nước Việt nam-Campuchia tiết kiệm tối đa chi phí Logistics. Chúng tôi rất quan tâm đến ICD Tân Cảng Tây Ninh và mong đợi ICD này đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi và giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, giảm giá thành hàng hóa xuất khẩu”, một doanh nghiệp nói.
“Những giải pháp mà TCSG đã và đang triển khai tại thị trường Campuchia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tăng cường liên kết xuất nhập khẩu giữa Việt Nam, Campuchia và các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào.
Kết thúc hội thảo, TCSG đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với cảng Phnompenh (PPAP) đánh dấu bước hợp tác chiến lược giữa hai nhà khai thác cảng hàng đầu của hai nước.
Sự hợp tác giữa TCSG và PPAP sẽ cải thiện hiệu suất và giảm chi phí logistics, góp phần vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.