Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới, có hiệu lực từ ngày hôm nay (14/9).
Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất hiện nay của Vietcombank chỉ còn 5,5%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước đó, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại quầy cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 3,5%/năm, riêng lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên 3%/năm.
Đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng của ngân hàng cũng giảm 0,3 điểm % xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4,5%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.
Tương tự, một “ông lớn” trong nhóm big 4 khác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới từ ngày 14/9, giảm 0,2 – 0,3 điểm % lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, Agribank duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 3%/năm, tuy nhiên, với kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất được điều chỉnh giảm tới 0,3 điểm %, xuống còn 3,5%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất được hạ xuống còn 4,5%, giảm 0,2 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức điều chỉnh 0,3 điểm %.
Như vậy, với lần điều chỉnh này, Vietcombank và Agribank đang là hai ngân hàng thương mại có lãi suất huy động thấp nhất trên hệ thống.
Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tuỳ kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của NHNN. Song song với đó, tín dụng tăng khá thấp trong hai tháng đầu của quý 3/2023.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/8 chỉ đạt 5,33% so với cuối năm 2022 (tương đương 9,87% so với cùng kỳ). Như vậy, tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng có cải thiện so với tháng trước (tăng thêm gần 92 nghìn tỷ đồng), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, với nguyên nhân đến từ phía cầu doanh nghiệp không hấp thụ được vốn trong khi thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.
Ước tính toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Theo giới phân tích, nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 và đầu tháng 9 có thể sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.