Bắt đầu triển khai chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác
Theo nội dung Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thì từ ngày 1/9/2023, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước đó, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác từng được quy định tại Thông tư 39 nhưng chỉ được áp dụng đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, còn không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống được đánh giá là thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn và cũng tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Ngay sau khi Thông tư có hiệu lực, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tung ra gói vay theo chương trình này với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm. Cụ thể, ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.
Cùng ngày, một ngân hàng lớn khác là BIDV cũng tung ra gói cho vay tương tự, với lãi suất thậm chí còn cạnh tranh hơn là chỉ từ 6%/năm. Cụ thể, đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng lãi suất chỉ từ 6%/năm hoặc chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên. BIDV cam kết mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại ngân hàng khác.
Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác giúp giảm áp lực trả nợ…
Một số ngân hàng khác cho biết, cũng đang chuẩn bị triển khai các gói cho vay lãi suất ưu đãi tương tự và có thể công bố thông tin trong vài ngày tới.
"Đảo nợ" không dễ?
Việc Nhà điều hành quyết định mở rộng quy định cho vay để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác được kỳ vọng sẽ giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí rẻ hơn.
Tuy nhiên, theo ông Cao Việt Hùng, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB, chính sách mới này sẽ không phải là "cây đũa thần" cho khách vay muốn đảo nợ. Nguyên nhân là do phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản bảo đảm, do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản bảo đảm tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản bảo đảm để đi vay tại ngân hàng mới.
Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1% - 3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1 – 5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản bảo đảm (LTV) là khác nhau giữa các ngân hàng. Do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.
Trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến nay vẫn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.