Là một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác nhau, như cà phê, gạo, tiêu,… Ngoài vai trò “thuyền trưởng” của một Tập đoàn nông sản lớn của Việt Nam, ông còn kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch hiệp hội của hai ngành hàng nông sản lớn, đó là gạo và cà phê.
Cuối năm có quá nhiều việc để giải quyết nên hẹn gặp một người bận rộn như ông thật không dễ dàng gì. Tuy vậy, sau nhiều cuộc điện thoại ông cũng đồng ý tiếp chuyện và chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Intimex Group các vấn đề liên quan đến ngành lúa gạo cùng những dự báo về xuất khẩu gạo trong năm 2024.
BA VẤN ĐỀ CẦN XEM XÉT
Năm 2023, ngành lúa gạo lập được những đỉnh mới về giá lúa, khối lượng xuất khẩu và kim ngạch, song vẫn còn đó những hạn chế nhất định. Xin ông chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp trong năm qua, và những bài học rút ra?
Có thể nói năm 2023 là một năm rất thành công của ngành lúa gạo, năm đầu tiên xuất khẩu gạo lập đỉnh đạt trên 8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,5 tỷ USD. Năm 2023 không chỉ đơn thuần xuất khẩu mà chúng ta còn nhập khẩu những loại gạo giá thấp cung ứng chế biến thức ăn gia súc và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ gạo, giúp kéo giảm giá thành thức ăn gia súc, dành các loại gạo chất lượng cao xuất khẩu, nên năm nay cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đa phần là các loại gạo giá trị cao. Từ đó giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng nhanh về lượng và kim ngạch, về mặt lâu dài cần định hướng rõ hơn. Như vậy, thành công của ngành lúa gạo có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là mặt tích cực, song bên cạnh vẫn có những vấn đề cần phải xem xét.
Thứ nhất, đối với người nông dân, trước đây có những lúc giá lúa xuống còn 3.000-4.000 đồng/kg, Chính phủ phải “giải cứu” nhưng trong năm 2023 giá lúa tăng lên gấp đôi 8.000-9.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng, cây lúa đã thật sự đem lại niềm vui cho bà con và với tâm lý phấn khởi họ sẽ chuyên tâm sản xuất trong các vụ lúa ở các năm tiếp theo.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao, người nông dân bán được lúa với mức giá mà có “nằm mơ” cũng không dám nghĩ đến, và một điều quan trọng nữa là thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng.
CÂY LÚA ĐÃ THẬT SỰ ĐEM LẠI NIỀM VUI CHO BÀ CON VÀ VỚI TÂM LÝ PHẤN KHỞI HỌ SẼ CHUYÊN TÂM SẢN XUẤT TRONG CÁC VỤ LÚA Ở CÁC NĂM TIẾP THEO.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Intimex Group
Thứ hai, năm nay doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do giá biến động quá nhanh, dẫn đến một số nhà cung ứng giao hàng không đúng hợp đồng, nên phải trì hoãn giao hàng ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Hy vọng trong năm 2024 giá cả sẽ ổn định hơn, tránh giá biến động quá nhanh ảnh hưởng đến các giao dịch quốc tế.
Thứ ba, đối với lĩnh vực ngân hàng, hạn mức vay là có hạn nên khi giá tăng cao doanh nghiệp bị thiếu vốn khiến việc thu mua trở nên khó khăn, đặc biệt, lúc giá gạo biến động tăng lên từ 30%-50% tính trên cùng một đơn vị xuất khẩu như hiện nay, thì lượng vốn của doanh nghiệp sẽ càng bị thiếu hụt.
Để giúp doanh nghiệp kịp thời mua lúa của nông dân đề nghị các ngân hàng nên hỗ trợ bằng cách xem xét nâng hạn mức tín dụng, vì trong điều kiện tín dụng bị hạn chế như hiện nay phần lớn doanh nghiệp sẽ đi theo xu hướng “có thể bán trước hoặc mua trước”, chẳng may thị trường biến động ngược lại họ sẽ gặp rủi ro.
Các hợp đồng giao xa gặp khó khăn ở chỗ, đầu vụ giá chỉ khoảng 500 USD-600 USD/tấn nhưng đến khi triển khai mua hàng giao giá lên 650 USD/tấn, thậm chí có những hợp đồng lên gần 700 USD/tấn. Vì theo nhận định ban đầu, vụ Hè Thu giá sẽ xuống nên có nhiều người ký hợp đồng bán trước giá tương đối thấp, nhưng không ngờ Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đẩy giá lúa Hè Thu tăng đột biến khiến nhiều doanh nghiệp bị vỡ trận.
Kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc trong công tác điều hành cần rút ra để tránh lặp lại trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tận dụng thời cơ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu mang lại hiệu quả cao nhất cho chuỗi ngành hàng.
KẾT QUẢ XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2023 ĐỂ LẠI CHO CHÚNG TA NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH CẦN RÚT RA ĐỂ TRÁNH LẶP LẠI TRONG NHỮNG NĂM TIẾP THEO.
Ông Đỗ Hà Nam
Doanh nghiệp thường có xu hướng ký hợp đồng giao xa và bán trước mua sau, vậy xu hướng này có còn diễn ra trong năm 2024?
Trên thực tế không có mặt hàng nông sản nào ký hợp đồng xong đi ngay, đặc biệt lúa gạo là hàng hóa bán buôn có khối lượng lớn, từ khi lúa được đưa về nhà máy phải qua nhiều công đoạn như: Xay xát, lau bóng, đóng gói bao bì...
Bản thân các công đoạn này đã mất cả tháng nên trong kinh doanh gạo không có hợp đồng nào ký xong là giao ngay, và còn liên quan đến các vấn đề như logistics, thuê tàu và nhất là những hợp đồng Philippines đi tàu rời phải chờ có tàu, có thời gian kiểm định và sản xuất theo tiêu chuẩn của mỗi nhà mua hàng. Vì vậy, các hợp đồng có thời gian giao hàng từ 1-2 hay 3 tháng là bình thường, những hợp đồng đi châu Phi hay hợp đồng Bulog đi Indonesia có thời gian giao hàng từ 4-6 tháng mới gọi là hợp đồng giao xa.
Trong khi, các doanh nghiệp thường có xu hướng “mua trước bán sau, mua sau bán trước”, nếu họ nhận định “giá xuống sẽ bán trước, còn nhận định giá lên thì phải mua trước”, nhưng thực tế đôi khi thị trường biến động theo hướng ngược lại sẽ trở thành rủi ro. Do nhận định như vậy nên vụ Hè Thu 2023 có một số doanh nghiệp ký hợp đồng giao xa với khối lượng lớn, khi giá gạo trong nước biến động tăng không mua kịp hàng dẫn đến rủi ro nếu bên mua buộc phải giao hàng đúng theo kỳ hạn trong hợp đồng.
Để giảm bớt rủi ro doanh nghiệp cần hạn chế bán xa, bán dài hạn, tăng cường đầu tư nhà máy chế biến để mua lúa trực tiếp từ nông dân. Mặt khác, có nhà máy chế biến tồn kho doanh nghiệp cũng ổn định hơn và họ sẽ làm thương mại thuần túy vì đã có ngân hàng hỗ trợ.
Lâu nay doanh nghiệp thường mua gạo từ các nhà cung ứng, nhưng gần đây đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã nông nghiệp thương mại, nông dân tập trung bán lúa cho các hợp tác xã, sau đó hợp tác xã bán lúa lại cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ giảm bớt khâu trung gian và tránh được rủi ro cho doanh nghiệp. Đây là mô hình tốt cần phát huy.
CHẤT LƯỢNG GẠO VIỆT ĐÃ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH
Năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu đến 8 triệu tấn gạo, tồn kho gối đầu năm 2024 sẽ rất mỏng. Vậy tình hình xuất khẩu gạo quý I/2024 sẽ như thế nào?
Năm nào cũng vậy, đầu năm do phụ thuộc vào mùa vụ nguồn cung hàng hóa hơi khan hiếm nên lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm, sau đó chắc chắn sẽ tăng trở lại khi vụ Đông Xuân thu hoạch rộ. Đối với tiêu dùng trong nước nguồn cung sẽ rất ổn định nhưng giá gạo trong nước sẽ phải tăng cao hơn trước do giá xuất khẩu đã tăng.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao trong thời gian qua có một phần do Ấn Độ dừng xuất khẩu, bước sang năm 2024 nếu nước này xuất khẩu trở lại thì nguồn hàng từ Ấn Độ sẽ dư ra và kéo giá gạo từ các thị trường khác xuống theo, cho nên giá gạo của Việt Nam sẽ không còn cơ hội như năm 2023. Tuy nhiên, chúng ta đã tạo ra được những sản phẩm giá trị riêng cộng với chất lượng gạo Việt Nam đã được khẳng định trên thị trường, và các thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục mở rộng thì tôi tin rằng giá gạo Việt Nam sẽ ổn định và chắc chắn tốt hơn năm 2022.
NĂM 2024 GIÁ GẠO XUẤT KHẨU SẼ ỔN ĐỊNH VÀ TIẾP TỤC LÀ MỘT NĂM THÀNH CÔNG NỮA CỦA NGÀNH LÚA GẠO.
Ông Đỗ Hà Nam
Theo nhận định chung, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 sẽ giảm nhưng giảm ở mức độ vừa phải và bình quân 600 USD/tấn, đây là mức giá ổn định và tốt cho nông dân vì trước đây giá gạo xuất khẩu chỉ quanh mức 500 USD/tấn, ngoại trừ năm 2023 mới có mức giá cao đột biến.
Năm qua giá lúa tăng cao nông dân có lợi nhuận tốt với tâm trạng phấn khởi họ sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, nhất là ở những vùng trước đây chỉ trồng hoa màu bây giờ bà con quay lại trồng lúa. Đó là tín hiệu tốt trong việc phát triển ngành lúa gạo. Dự đoán năm 2024 giá gạo xuất khẩu sẽ ổn định và tiếp tục là một năm thành công nữa của ngành lúa gạo.
Ông có thể chia sẻ về kế hoạch sản xuất kinh doanh của Intimex Group trong thời gian tới?
Trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp đó là nguồn cung ứng gạo phải đảm bảo tính ổn định, như vậy sẽ vừa đảm bảo khả năng thu mua lại vừa đảm bảo thị trường hàng hóa.
Nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững, Intimex buộc phải thành lập một chuỗi nhà máy sản xuất để vừa đảm bảo việc thu mua lúa cho người nông dân, vừa đảm bảo được chất lượng chế biến và tạo ra được những sản phẩm riêng có. Đây là chiến lược Intimex đang làm và làm lâu dài, đến giờ này Intimex đã có một chuỗi các nhà máy tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và đang tiếp tục mở rộng ra ở một số địa phương khác.
Hy vọng trong những năm tiếp theo Intimex sẽ xây dựng và hình thành phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, qua đó sẽ tạo cho Intimex một chỗ đứng vững chắc trên thị trường và tiếp tục duy trì là doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam.
Intimex Group vận hành 2 nhà máy là Nhà máy Đồng Tháp và Nhà máy An Giang với diện tích lần lượt 22.000m2 và 36.000m2, sức chứa lên đến 80.000 tấn. Hiện, nhà máy Đồng Tháp có công suất 300.000 tấn/ năm, và nhà máy An Giang công suất 150.000 tấn/năm, đều hoạt động 10 tháng. Chi phí đầu tư của 2 nhà máy đều trên 100 tỷ đồng, cụ thể, nhà máy Đồng Tháp 110 tỷ đồng và nhà máy An Giang 138,8 tỷ đồng.