Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, tăng trưởng chậm lại, ông đánh giá như thế nào về mức GDP mà Việt Nam đạt được năm 2023 và những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành vĩ mô để đạt được mức tăng trưởng này?
Kết quả tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là đáng tự hào bởi trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn lọt top tăng trưởng khá của khu vực và thế giới. Còn nếu xét về mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5% được Quốc hội thông qua từ tháng 10/2022 thì lúc đó chưa ai biết được kinh tế năm 2023 khó khăn đến mức thế nào. Cho nên, kết quả tăng trưởng Việt Nam đạt được trong bối cảnh những biến động từ đầu năm 2023 đến nay có thể nói là một kết quả hết sức nỗ lực.
Kết quả tăng trưởng 5,05% cũng mới chỉ là con số ước tính, còn con số chính thức phải đợi đến tháng 3/2024. Như vậy, con số trên nói một cách khiêm tốn là con số chúng ta mong đợi. Với một bối cảnh kinh tế thế giới và địa chính trị thế giới thay đổi liên tục, Việt Nam đã tận dụng được tối đa những cơ hội. Tất nhiên, nếu như nội lực nền kinh tế nước ta mà khỏe hơn thì thành công chúng ta thu được có thể còn cao hơn.
Nhưng với một nền kinh tế như một cơ thể người vừa ốm dậy sau đại dịch thì “sức khỏe” như vậy là đáng tự hào rồi. Nếu mà nói như Phù Đổng vươn vai đứng dậy ngay thì không thể được.
Nói về nội lực, có thể thấy giai đoạn vừa qua, ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của Việt Nam đều gặp khó khăn, tăng trưởng chậm lại. Theo ông trong năm 2024 cần tìm kiếm những động lực mới nào hay thúc đẩy những động lực truyền thống ra sao để tăng trưởng có thể đạt được mục tiêu đề ra?
Trước hết, phải nói rằng những động lực tăng trưởng chính lâu nay của nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị.
Đó là nguồn nội lực trong nước, là tận dụng cơ hội chuyển đổi của các nền kinh tế, là việc chúng ta tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số. Những động lực này chúng ta đã đặt ra và chúng ta vẫn phải tiếp tục làm rất lâu nữa, đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa từ các động lực đã đặt ra để đẩy mạnh tăng trưởng.
Trong năm 2024, nếu Việt Nam tận dụng hết được những dư địa, ví dụ là những kết quả tích cực của ngoại giao kinh tế đã triển khai trong năm 2023 thì Việt Nam có thể đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Còn nếu chúng ta không tận dụng hết được thì sẽ phải chấp nhận.
Thành công của ngoại giao kinh tế trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023 đã giúp Việt Nam thành điểm sáng để đầu tư với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, gần đây nhất là sự quan tâm của các tập đoàn bán dẫn. Liệu trong năm 2024 và những năm tới, Việt Nam có thể thu hút được một làn sóng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới hay không, thưa ông?
Theo tôi phải nhìn nhận một cách thực tế là chúng ta đừng tự tạo bánh vẽ là sẽ thu hút ngay được làn sóng bán dẫn.
Hãy tưởng tượng một ví dụ đơn giản, ông hàng xóm nhà chúng ta xây khách sạn 5 sao, chúng ta ở bên cạnh thấy điều kiện tốt quá nên liền nghĩ phải mở ngay một quán ăn dân tộc Việt bên cạnh để đón khách. Có thể khách sạn đồng ý đưa khách từ bên họ sang bên nhà hàng của chúng ta để xem như là quán ăn phụ của khách sạn 5 sao. Thế nhưng liệu chúng ta có đủ tiền để thuê đầu bếp giỏi hay trang thiết bị cải tạo lại nhà bếp, phòng ăn để đạt được tiêu chuẩn như nhà hàng của một khách sạn 5 sao không?
Vấn đề đó đặt ra một thách thức vô cùng lớn là cơ hội thì bao giờ cũng có, thế nhưng có đáp ứng được cơ hội ấy hay không, có vươn lên nắm bắt được cơ hội hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ quan là nỗ lực của các đơn vị của Việt Nam.
Thêm vào đó, dù bản thân chúng ta nỗ lực nhưng đến thời điểm này, các vấn đề về địa chính trị thế giới lại có những thay đổi. Ví dụ chỉ cần Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thì đầu tư vào Việt Nam cũng có thể bị tác động,…
Những điều mà chúng ta nói với nhau là chúng ta dự kiến và mong muốn, còn chúng ta có đạt được hay không, nền kinh tế và bản thân các đơn vị thực hiện có đáp ứng được hay không lại là vấn đề rất khó mà chúng ta phải hết sức bĩnh tĩnh, đừng tự huyễn hoặc nhau là điều đó chúng ta làm được ngay và được luôn. Phải bình tĩnh nhìn nhận lại xem trên thế giới có bao nhiêu nước sản xuất được công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có ưu, nhược điểm gì so với các nước đó.
Tóm lại, về mặt ý chí chính trị các nhà lãnh đạo đã tạo ra được các điều kiện để thu hút đầu tư, nhưng vấn đề là có tận dụng được hay không lại là thách thức đặt ra cho những người thực hiện.
Bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng cũng cần phải phát huy nội lực của doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Vậy theo ông cần phải phát triển khối doanh nghiệp này ra sao khi mà số liệu thực tế năm 2023 cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới dù đạt kỷ lục gần 160 nghìn doanh nghiệp nhưng số vốn tăng thêm vào nền kinh tế lại sụt giảm so với năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể vẫn lớn?
Trước hết, những khuyến nghị tập trung vào kinh tế tư nhân không phải là một chỉ tiêu pháp lệnh, quyết định tuyệt đối đúng mà chúng ta phải làm theo.
Bởi vì chúng ta đều biết nền kinh tế nước ta có đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có đất nước nào trên thế giới phát triển kinh tế đi lên từ doanh nghiệp nhỏ và vừa không? Câu trả lời là không. Và tại sao chúng ta không đặt vấn đề ngược lại là làm sao tận dụng tốt những nguồn lực mà chúng ta đã có từ doanh nghiệp Nhà nước?
Tôi cho rằng việc đặt vấn đề của các chuyên gia chỉ là một kênh để tham khảo nhưng đó không phải là kim chỉ nam bắt buộc Chính phủ hay các bộ, ngành phải làm theo, mà đó là một kênh tham khảo trong chỉ đạo, điều hành.
Nếu như nhìn vào hai năm 2022-2023 với số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn như vậy nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 8% trong năm 2022 và hơn 5% trong năm 2023, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực, vậy thì khu vực nào đóng góp vào mức tăng trưởng ấy? Cho nên, phải hài hòa giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác, trong đó có tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế khác, tham gia cùng với Nhà nước. Như vậy mới đúng với tinh thần Thủ tướng nói là “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, việc thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm là một trong những khó khăn, thách thức đã kìm hãm tăng trưởng năm 2023. Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có những tháo gỡ, song điểm cân bằng để bất động sản hồi phục vẫn phụ thuộc vào pháp lý và nguồn vốn. Ông đánh giá như thế nào về hai điểm nghẽn này?
Trước hết phải nói rằng điểm nghẽn của thị trường bất động sản không phải là do Chính phủ. Đây là do có những doanh nghiệp vốn mỏng nhưng muốn giữ nhiều dự án để tạo ra lợi nhuận, khi gặp khó khăn lại lấy Nhà nước, lấy thị trường làm “con tin”.
Tôi chưa thấy một doanh nghiệp nào trong lĩnh vực bất động sản sau khi gặp khó khăn như thế này thì tiến hành đại hạ giá sản phẩm để tạo ra dòng tiền.
Đối với lĩnh vực bất động sản ở thời điểm này, tôi cho rằng tốt nhất để doanh nghiệp tự khắc phục, còn nếu không khắc phục mà gây ra những rủi ro cho nền kinh tế thì phải xử lý hình sự, phải đền bù thiệt hại, không thể nào lúc thắng lợi vui vẻ ăn hết, đến lúc gặp vấn đề thì phủi tay, đổ lỗi do thị trường.
Trong một nền kinh tế thị trường phải hết sức sòng phẳng, khuyết điểm đâu là của Nhà nước, đâu là của thị trường. Nếu đã là khuyết điểm của thị trường thì không bắt Nhà nước phải chịu, còn nếu là khuyết điểm của Nhà nước thì Nhà nước phải chia sẻ rủi ro, gánh vác với doanh nghiệp. Nếu rủi ro về chính sách thì Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để hình thành thị trường.
Còn nếu các chủ trương chính sách đó Nhà nước đã ban hành từ lâu nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình hiểu không đúng, giải thích luật theo hướng có lợi cho mình mà không có lợi cho nền kinh tế nói chung thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, không thể đòi Nhà nước phải cứu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" hồi cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ có nói một câu quan trọng với lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn: "Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung".
Thủ tướng đã nói đến mức độ như thế, nghĩa là nếu các doanh nghiệp không chủ động, tích cực để xử lý các vấn đề tồn đọng như nợ, mà để thành điểm nóng thì các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, để làm sao tạo một mức giá hợp lý cho người lao động có thể tiếp cận được, đảm bảo được động lực của nền kinh tế.