Trải qua năm 2023 đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược” tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, mức cao nhất từ trước tới nay, khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế.
Kết quả trên cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp.
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, để nhìn lại năm 2023 và câu chuyện “cây lúa đã góp phần làm thay đổi vị thế của Việt Nam trên thế giới”.
Năm 2023 là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung, nhưng tiếp tục là năm thành công của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những nỗ lực vượt khó của toàn ngành trong năm qua?
Đúng như Thủ tướng phát biểu trong Hội nghị Tổng kết của Bộ NN - PTNT: “Năm 2023, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, nhờ chuyển đổi trạng thái, từ đó nhanh chóng xoay chuyển tình thế”. Trong bối cảnh nhiều thách thức, chúng ta vẫn bình tĩnh, không bị cuốn vào những phản ứng có tính lan truyền như dừng xuất khẩu gạo.
Chúng ta vẫn kiên trì giữ thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời khai mở thị trường mới, ký được nhiều Nghị định thư xuất khẩu nhiều nông sản mới. Khi bị bất lợi do thẻ vàng IUU, chúng ta đã xác định chiến lược “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng”, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Khi giá cả vật tư đầu vào tăng cao, Bộ NN và PTNT khuyến khích nhân rộng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái giúp giảm gia tăng chi phí.
Những ngành hàng: Lúa gạo, trái cây, đặc biệt là sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, tăng cao không chỉ do giá cả thị trường mà còn do chúng ta đã chuẩn bị tốt các vùng nguyên liệu, tổ chức nhiều kênh xúc tiến thương mại nông sản cấp độ quốc gia, như Festival lúa gạo Hậu Giang. Các địa phương cũng rất năng động tổ chức những sự kiện như Cà phê Sơn La, Tôm Cà Mau…
Ngoài ra, Bộ NN - PTNT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, vừa thông tin những yêu cầu kỹ thuật của từng thị trường, đồng thời tháo gỡ kịp thời những ách tắc do hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, những sự kiện quảng bá, kết nối với các trung tâm thương mại lớn để đưa nông sản, sản phẩm nông nghiệp vào kênh tiêu thụ trong nước, giải toả áp lực cho thị trường xuất khẩu.
Thương hiệu Gạo Việt phải thể hiện hình ảnh một đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời về sản xuất lúa gạo, đồng thời một ngành hàng có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa người trồng lúa, người lai tạo giống, doanh nghiệp kinh doanh.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong sự thành công của ngành nông nghiệp, phải kể đến thành công của ngành lúa gạo thể hiện qua giá bán lúa của nông dân tăng gấp đôi so với trước, lượng gạo xuất khẩu đạt trên 8 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 4,7 tỷ USD. Phía sau những thành công đáng tự hào còn những vấn đề nào cần khắc phục, thưa Bộ trưởng?
Ngành lúa gạo đã thiết lập những cột mốc kỷ lục. Đó là cả một quá trình tích tụ thành quả của bà con nông dân, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý về nông nghiệp, công thương từ Trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, phía sau những thành công đáng tự hào vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục khắc phục để phát triển bền vững:
Một là, cần tạo ra và kết dính các tác nhân chuỗi ngành hàng lúa gạo dựa trên sự hợp tác giữa người nông dân, sự liên kết giữa người trồng lúa, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp cả đầu vào và đầu ra. Tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất lúa gạo sang kinh tế lúa gạo theo hướng cân bằng lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi ngành hàng theo tư duy “cùng thắng”.
Hạt gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và tư duy tăng trưởng xanh.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hai là, tiếp tục xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Thương hiệu Gạo Việt phải thể hiện hình ảnh một đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời về sản xuất lúa gạo, đồng thời một ngành hàng có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa người trồng lúa, người lai tạo giống, doanh nghiệp kinh doanh.
Đặc biệt, hạt gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và tư duy tăng trưởng xanh. Hạt gạo Việt Nam tạo lập niềm tin đối với người tiêu dùng do tính minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Năm 2023, đánh dấu một bước ngoặc lớn của cây lúa, hạt gạo Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng thông qua Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ NN-PTNT và rất được quốc tế ủng hộ. Khi đề án này đi vào thực hiện có giải quyết được các điểm nghẽn của ngành lúa gạo?
Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh nhằm hướng tới đa mục tiêu:
Một là, thực hiện cam kết của Việt Nam trước thế giới, Việt Nam sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050.
Hai là, tạo ra nền kinh tế lúa gạo từ giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, giảm chi phí, tuần hoàn, từ đó tạo ra sản phẩm mới do ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra đa tầng sinh kế cho người trồng lúa.
Ba là, tiến hành đồng bộ cơ giới hoá, tự động hoá, nâng cấp đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, logistics, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, ứng dụng số hoá đồng ruộng,
Bốn là, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu từ khâu sản xuất đến chế biến, kinh doanh lúa gạo.
Phát biểu khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo tại Hậu Giang 2023, Bộ trưởng đã gửi đi thông điệp rất nhân văn thắm đậm tình người, tình quê về cây lúa, hạt gạo Việt Nam đến bạn bè quốc tế, và khẳng định “Cây lúa đã góp phần làm thay đổi vị thế của Việt Nam trên thế giới”. Bộ trưởng vui lòng chia sẻ thêm về nội dung này?
Việt Nam tự hào là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Từ một đất nước trải qua chiến tranh, thiếu đói, trở thành đất nước không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo.
Trong lúc bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường, nhiều quốc gia bị đe doạ bởi nạn đói, Việt Nam được thế giới tìm đến như một giải pháp ổn định lương thực quốc gia, khu vực.
Dù bất luận trong bối cảnh nào, lương thực, trong đó có hạt gạo, luôn hiện hữu trên bàn ăn hàng ngày trên khắp thế giới. Hạt gạo Việt lan toả ra thế giới mang theo hình ảnh đất nước Việt Nam, tinh thần Việt Nam, niềm tự hào Việt Nam. Hình ảnh đất nước nâng tầm thương hiệu hạt gạo Việt, ở chiều ngược lại, hạt gạo Việt khi đến bữa ăn hàng ngày trên thế giới, hình ảnh Việt Nam cũng sẽ được nâng lên.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, mà còn góp phần kiến tạo một hệ sinh thái ổn định an lành.
Quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chúng ta hiểu rằng quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm từ tri thức bản địa với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện để hướng tới những cánh đồng phát thải thấp. Ở nơi đó, con nước xuống lên độ phì nhiêu của đất được thấu hiểu và trân trọng, nơi mà ở đó giá trị truyền thống “thuận tự nhiên” tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối, nơi mà ở đó mỗi vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến, nơi mà ở đó thịnh vượng khởi đầu cho người trồng lúa.