Việt Nam trúng thầu Bulog khoảng 351.100 tấn gạo trắng loại 5% tấm
Theo Reuter, Bulog đã bắt đầu mua trong một cuộc đấu thầu quốc tế lên tới 500.000 tấn gạo đã mở vào thứ Hai (29/01). Tuy nhiên, khối lượng gạo mua chính xác cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, theo các thương nhân ước tính đã có khoảng 470.000 tấn gạo đã được mua và các cuộc đàm phán về phần còn lại (khoảng 30.000 tấn) vẫn đang tiếp tục.
Các thương nhân dự kiến phần lớn lượng gạo được mua sẽ có nguồn gốc từ Việt Nam cùng với một số từ Pakistan và Myanmar.
Gói thầu Bulog lần này, giá bỏ thầu của các doanh nghiệp Việt Nam mức thấp nhất là 653 USD/tấn và mức cao nhất là 660 USD/tấn (C&F). Giá gạo trúng thầu có mức thấp nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam, ước tính khoảng 648 USD/tấn, bao gồm cả phí vận chuyển (C&F) và một khối lượng đáng kể từ Việt Nam được cho là đã được bán với giá từ 653 USD đến 660 USD/tấn giá C&F. Các báo cáo phản ánh đánh giá từ các nhà giao dịch cho biết khối lượng gạo còn lại vẫn có thể ước tính thêm về giá cả.
Theo SS RiceNews, kết quả đấu thầu rộng rãi 500.000 tấn gạo loại 5% tấm của Bulog kết thúc vào lúc 12:00 ngày 30/01/2004 (giờ Jakarta), xác định các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu với tổng số lượng là 301.100 tấn, giá C&F, mức thấp nhất 648 và cao nhất 660, gồm các công ty: Quốc Tế Gia; Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (KiGiMex); KING GREEN; Tập đoàn Lộc Trời; Phát Tài; VinaFood 1, VinaFood 2...
Tham gia thầu Bulog lần này có các thương nhân nước ngoài tham gia thầu trên cơ sở sử dụng gạo Việt Nam vẫn còn đang kiểm tra lại, với khối lượng dự kiến khoảng hơn 50.000 tấn. Như vậy, tổng khối lượng gạo Việt Nam trúng thầu Bulog là khoảng 351.100 tấn gạo trắng loại 5% tấm.
Giá lúa gạo đang điều chỉnh tăng trở lại sau nhiều ngày sụt giảm
Dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 26/01, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh giảm từ 3 – 10 USD/tấn so với ngày 23/01/2024. Cụ thể, loại gạo 5% tấm ở mức 642 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn, gạo 25% tấm đang giao dịch ở mức 614 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn.
Ngược với đà giảm của gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan và Pakistan đồng loạt tăng mạnh. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giao dịch ở mức 656 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn so với ngày 23/01. Gạo Pakistan giá 638 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với ngày 23/01. Với mức giá này, gạo 5% tấm của Thái Lan cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam đến 14 USD/tấn.
Trước đà giảm giá gạo xuất khẩu kéo giá lúa, gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm liên tục trong nhiều ngày qua, tuy nhiên, đến ngày 30/1 giá lúa gạo không có biến động nhiều và thị trường lúa gạo ở khu vực này đang giao dịch sôi động hơn, do có nhiều doanh nghiệp mở cửa mua vào gạo thơm và gạo thường các loại, như Vinafood 1, Intimex, Tân Long, …
Thị trường gạo tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, giao dịch nhà máy khá hơn, giá gạo các loại đã ngừng đà giảm. Riêng tại Tiền Giang, các kho chào giá tăng nhẹ 100 – 150 đồng/kg.
Bên cạnh gói thầu 500.000 tấn gạo của Bulog sẽ giao hàng trong tháng 2 và tháng 3, mới đây Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận cung cấp gạo cho Philippines theo hợp đồng 5 năm.
Văn phòng Truyền thông của Tổng thống Philippines (PCO) cho biết, Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định thương mại gạo 5 năm với Philippines.
Theo đó, Philippines và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác Thương mại Gạo trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Hà Nội.
Theo MOU, Việt Nam đã đồng ý cam kết thương mại 5 năm để cung cấp gạo trắng cho khu vực tư nhân Philippines, từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấn gạo mỗi năm với mức giá cạnh tranh và phải chăng. Ngoài thương mại gạo, Philippines và Việt Nam cũng dự kiến sẽ trao đổi thông tin về chính sách, kế hoạch, quy định và các hoạt động khác liên quan đến thương mại gạo. Trong khi đó, Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan cũng được ký kết giữa hai nước...
Thông tin doanh nghiệp Việt Nam thắng áp đảo gói thầu 500 ngàn tấn gạo trắng của Bulog cùng với Biên bản ghi nhớ cam kết cung cấp gạo cho khu vực tư nhân Philippines từ 1,5 – 2 triệu tấn gạo mỗi năm sẽ là những cơ sở duy trì và củng cố giá gạo trong nước luôn ở mức ổn định cao.