Gạo là lương thực chính của thế giới và giá gạo trên thị trường quốc tế đã tăng vọt sau đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và mới đây là Trung Đông cùng với thời tiết El Nino diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nước sản xuất lúa gạo, đặc biệt lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tác động lên thị trường gạo toàn cầu.
Chính phủ Indonesia giao Bulog nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm 2024
Trước khi có báo cáo của WB, thị trường cũng đã tiếp nhận thông tin quyết định nới lỏng xuất khẩu gạo các loại chỉ được Ấn Độ xem xét vào năm 2024, và Bulog (Indonesia) sẽ mua 2 triệu tấn gạo dự trữ cho năm 2024. Hai yếu tố này giúp giá lúa gạo nội địa luôn ổn định ở mức cao.
Để đảm bảo nguồn dự trữ gạo của đất nước, Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc Bulog, ông Budi Waseso, chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất lúa gạo địa phương cũng như điều kiện thời tiết. Nếu dự báo sản lượng lúa gạo bị thiếu thì Bulog sẽ cung cấp đủ để bù đắp sự thiếu hụt.
Trước đó, Bulog cũng được giao nhiệm vụ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo vào cuối năm 2023, đây là hạn ngạch bổ sung vượt mức 2 triệu tấn được giao trước đó, như vậy tổng lượng gạo được giao nếu nhập khẩu đủ trong năm nay sẽ đạt 3,5 triệu tấn. Để nhập khẩu 1,5 triệu tấn, Bulog đã bắt đầu đàm phán với một số nước có tiềm năng xuất khẩu gạo sang Indonesia, trong đó có Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.
Indonesia chuẩn bị mua gạo non-basmati của Ấn Độ
Hôm 27/11/2023, khi được hỏi về tiến trình đàm phán Indonesia chuẩn bị mua gạo non-basmati của Ấn Độ, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia chia sẻ trên tờ The JakartaPost rằng: “Nước này sắp đảm bảo nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, bất chấp lệnh cấm một phần do New Delhi áp đặt. Thỏa thuận nhập khẩu vẫn đang được đàm phán nhưng đã gần kết thúc, hy vọng nó sẽ thành công”.
Còn theo Giám đốc Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog), “Ấn Độ vẫn giữ quan điểm cởi mở về việc xuất khẩu gạo sang Indonesia bất chấp lệnh cấm được áp dụng từ nhiều tháng trước”.
Trong báo cáo hàng tháng, FAO cho biết, trong khi giá lương thực toàn cầu giảm trong tháng 8 thì giá gạo lại tăng 9,8% so với tháng trước, “sự tăng giá này phản ánh việc gián đoạn thương mại sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng Indica của Ấn Độ”.
FAO cũng đã “hạ dự báo về thương mại gạo thế giới so với số liệu tháng 7 do các hạn chế xuất khẩu tăng cường của Ấn Độ. Sự phục hồi dự kiến của thương mại gạo vào năm 2024 sẽ ở mức “khiêm tốn” nếu các hạn chế của Ấn Độ kéo dài, và El Nino làm gián đoạn sản xuất ở các nhà xuất khẩu châu Á khác.
Liên Hợp Quốc cho rằng: “Sự không chắc chắn về thời hạn của lệnh cấm và những lo ngại về hạn chế xuất khẩu đã khiến các tác nhân trong chuỗi cung ứng phải giữ hàng tồn kho, đàm phán lại hợp đồng hoặc ngừng đưa ra mức giá, do đó hạn chế hầu hết giao dịch ở khối lượng nhỏ và doanh số đã ký kết trước đó”.
Công ty phân tích dữ liệu Gro Intelligence cảnh báo, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ tác động tới các quốc gia châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Pakistan, những quốc gia vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao. Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, hôm thứ Năm đã đạt được thỏa thuận 5 năm với Việt Nam để mua gạo.
Giá lúa gạo trong nước vẫn đứng ở mức cao
Nhận định về diễn biến trên thị trường gạo, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại dịch vụ Phước Thành 4 cho biết, lúa gạo là mặt hàng rất nhạy cảm với những thông tin như trên, nên giá lúa gạo trong nước chắc chắn sẽ chịu tác động, vì vậy, từ nay đến cuối năm giá lúa gạo sẽ khó giảm, trái lại có thể tăng thêm nhưng tăng nhiều hay tăng ít còn tùy tình hình thị trường.
“Bulog nhập khẩu gạo 2 triệu tấn gạo năm 2024, có thể Việt Nam sẽ không bán nhiều, vì đây là phân khúc mà gạo Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước như Pakistan, Ấn Độ … do họ sản xuất nhiều hơn. Hiện diện tích lúa IR 50404 làm gạo 5% tấm thường ở Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều như trước nên nguồn cung rất hạn chế. Khi Ấn Độ chưa cấm xuất khẩu gạo thường, để phục vụ nhu cầu trong nước Việt Nam cũng phải mua gạo của Ấn Độ khoảng 700.000-800.000 tấn/năm”, ông Thành nói.
Vẫn theo ông Thành không phải giá gạo bây giờ mới tăng, nguyên nhân tăng giá chủ yếu do các hợp đồng cũ chưa giao còn nhiều, cộng hưởng tin của Bulog nên giá gạo có thể tăng thêm. Từ nay tới cuối năm, giá lúa gạo trong nước sẽ còn chịu tác động do Ấn Độ gia hạn cấm xuất khẩu gạo non - basmati đến khoảng tháng 4/2024.