Trao đổi về thị trường gạo trong nước, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xô trong nước đang ở mức 13.500-3.600 đồng/kg, trước đây giá cao nhất chỉ 12.900 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm cũng ở mức 16.100-16.200 đồng/kg, đẩy giá gạo xuất khẩu xấp xỉ 700 USD/tấn, đây là mức giá cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam (nếu không tính năm 2008 - giá gạo 5% tấm xuất khẩu từng có lúc đã đạt đỉnh điểm 1.000 USD/tấn, nhưng khi đó Chính phủ đã ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo, nên gần như không có thương nhân nào xuất khẩu được với giá đó).
Động thái này diễn ra sau khi Philippines bỏ giá trần bán lẻ gạo và Indonesia công bố nhập khẩu thêm đến 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2023 và Ấn Độ chưa nới lỏng các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.
Tại sao gạo Việt Nam lại đắt nhất thế giới?
Theo Phó Chủ tịch VFA, sở dĩ giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới là do nhu cầu tăng và người mua không thể mua gạo của nước khác thay thế nên bắt buộc phải đẩy giá lên để mua được hàng.
Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút thì họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Cần nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác.
Trước tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, đã xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp do lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu.
“Đối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ sẽ mua giá cao gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao”, Phó Chủ tịch VFA nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch VFA, tình hình này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả Thái Lan cũng vậy, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cho biết họ cũng lỗ do giá gạo tăng nóng.
Philippines dỡ bỏ mức trần giá gạo, nhưng...
Sau một tháng áp trần giá gạo để kiềm chế sự tăng giá, vào ngày 4/10 Philippines đã cho bỏ chính sách này. Tuy nhiên, giá gạo ở nước này đã tăng từ 45 - 48 peso/kg, Tập đoàn các Nhà sản xuất và Cung cấp nông sản (SINAG) cảnh báo, giá gạo có thể đạt 50 peso/kg vào đầu tháng 11/2023, nếu chính phủ không áp dụng lại mức trần 45 peso/kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) Mercy Sombilla cho biết, chính phủ vẫn cần nghiên cứu việc áp dụng lại giới hạn giá cũng như xem xét các lựa chọn khác.
Theo Tập đoàn các Nhà sản xuất và Cung cấp nông sản (SINAG), nếu không có mức trần, mức tăng đột biến trong tháng 8/2023 vừa qua có thể xảy ra một lần nữa khi các thương nhân biện minh cho việc tăng giá thông qua chi phí lúa tại trang trại cao.
SINAG cho biết, việc áp dụng mức trần giá 45 peso/kg sẽ giúp duy trì mức giá 25 peso/kg tại trang trại, mức này vẫn mang lại lợi nhuận cho nông dân.
Tuy nhiên, trước đó, các nhà kinh tế Philippines đã chỉ trích mức trần giá gạo do chính phủ áp đặt từ tháng 9/2023 cho đến đầu tháng 10/2023 có thể dẫn tới bóp méo giá cả và không đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Sáng ngày 22/10, phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) Arnel de Mesa cho biết, nguồn cung gạo của nước này sẽ ổn định trong kỳ nghỉ lễ và cho đến quý 1/2024 sau mùa thu hoạch đang diễn ra và nhập khẩu trước đó.
Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) quy định, giá tại trang trại dao động trong khoảng 22,50 peso/kg đối với lúa khô và khoảng 18 peso/kg đối với lúa ướt, có lợi cho nông dân và nông dân vui mừng vì gạo của họ được mua với giá cao hơn. Hiện giá gạo xay xát kỹ đã giảm xuống khoảng 41 đến 45 peso/kg, và giảm xuống 38 đến 39 peso/kg đối với gạo xay thường ở một số tỉnh.
Về lượng dự trữ đệm, De Mesa cho biết nước này có 94 ngày tồn kho quốc gia sau mùa thu hoạch bội thu trong tháng này và gần 2,8 triệu tấn gạo được nhập khẩu trong nửa đầu năm nay.