Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung cho biết, ngày 10/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo giao Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang và các bộ, ngành đơn vị liên quan tổ chức Festival lúa gạo Quốc tế năm 2023 tại Hậu Giang.
Mục tiêu chính là tôn vinh giá trị hạt gạo Việt Nam
“Đây là Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như trong khu vực và quốc tế.
Sự kiện được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, người dân trồng lúa và cơ quan chỉ đạo sản xuất ngành hàng lúa gạo quốc gia. Và là cơ hội để người dân, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những thành tựu trong suốt thời gian vừa qua chúng ta đạt được và được thế giới công nhận, góp phần vào trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Hoàng Trung nói.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - đơn vị đăng cai tổ chức cho biết, cây lúa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Hiện Hậu Giang có khoảng 71.000 ha đất trồng lúa, với sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Năm 2009, Hậu Giang tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần 1, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của tỉnh, nhìn chung, sự kiện đã thành công ngoài mong đợi. Đây chính là nền tảng và là kinh nghiệm để Hậu Giang vinh dự lần đầu tiên tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo 2023,
Festival mang tầm quốc tế nên tỉnh xác định sự kiện sẽ tổ chức trên tinh thần đột phá, đổi mới, với mục tiêu chính là tôn vinh giá trị hạt gạo Việt Nam, qua đó làm người xem cảm nhận được giá trị tốt đẹp của hạt gạo do chính tay người nông dân Việt Nam làm nên.
Điểm nhấn sự kiện, ngoài chương trình khai mạc và bế mạc, trong khuôn khổ Festival còn có chương trình trình diễn, trưng bày các trang thiết bị hiện đại phục vụ ngành lúa gạo, đây sẽ là cơ hội để người sản xuất, doanh nghiệp ngành lúa gạo nắm bắt thay đổi công nghệ, nâng cao sản xuất.
Đặc biệt, trong sự kiện sẽ có hàng loạt các buổi hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học cả trong nước và quốc tế. “Hậu Giang kỳ vọng thông qua Festival sẽ nhận được nhiều sáng kiến của các nhà khoa học giúp ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững”, ông Đồng Văn Thanh nói.
Khoảng 200 khách quốc tế đến từ hơn 39 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Festival
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết thêm, Festival lần này thu hút khoảng 200 khách quốc tế đến từ hơn 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có thể kể đến các nước nhập khẩu lúa gạo lớn như: Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước đến từ Trung Đông, Nam Mỹ cùng đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), và các viện phát triển nông nghiệp thế giới và một loạt viện phát triển nông nghiệp thế giới. Hiện ban tổ chức đã nhận được sự xác nhận cấp bộ của 8 quốc gia, 7 đại sứ quán...
“Trong khuôn khổ Festival sẽ có ký kết giữa World Bank với Chính phủ Việt Nam về những cam kết hỗ trợ thực hiện “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ngoài ra, sự kiện còn có hàng loạt cuộc ký kết giữa cấp Bộ về vấn đề giống, các ký kết song phương với các nhà nhập khẩu”, ông Tuấn nói.
Song song đó, về phía trong nước, sự kiện lần này có hàng loạt cam kết của các tập đoàn, hiệp hội, ngành hàng cam kết cùng với Bộ NN-PTNT thực hiện thành công dự án.
Thông tin thêm về Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là đề án), ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án.
Đề án là một thí điểm đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các cơ chế, chính sách về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo. Đề án kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.
Thời điểm phù hợp để tổ chức sự kiện “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023”
Ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt được 7,75 triệu tấn, tăng 36,3% so với cùng kỳ, trị giá 4,4 tỷ USD. Đây là thời điểm phù hợp để tổ chức sự kiện “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023” nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý của Trung ương và địa phương.
Từ đó, truyền thông về những cam kết của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với thế giới rằng: “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Qua đó, vận động sự ủng hộ để Việt Nam trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm” của khu vực. Ngoài ra, Festival được tổ chức nhân sự kiện tái lập tỉnh Hậu Giang, giới thiệu thành tựu 20 năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, đồng thời đưa ra một tầm nhìn về liên kết giữa tỉnh Hậu Giang trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng sự chuyển đổi từ tư duy “sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo”.
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 chính thức được tổ chức tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang từ ngày 11-14/12, với hàng loạt các hoạt động, sự kiện trình diễn, hội thảo quốc tế, gian hàng triển lãm.
Ngoài ra, Trong khuôn khổ Festival còn có triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo của các tỉnh thành cả nước; triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; triển lãm “Lúa gạo Việt - Thương hiệu Việt - Tự hào của người Việt”; triển lãm “Lúa gạo quốc tế”, triển lãm “Nông nghiệp số - Nền tảng phát triển bền vững”; triển lãm “Nông nghiệp xanh - Công nghệ sạch”; triển lãm của ngành “Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới”; triển lãm ngành du lịch…
Dự kiến tại Festival sẽ mời Tổ chức Guiness Việt Nam xác lập 3 kỷ lục Việt Nam: sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; Con đường lúa gạo Việt Nam; Bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.