Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu cho thị trường Philippines
Theo Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) của Bộ Nông nghiệp Philippines, trong 3 tháng đầu năm nay khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines đã tăng 24,21% đạt 995.841,6 tấn, trong khi quý đầu tiên của năm ngoái, nước này chỉ nhập khẩu 801.732 tấn gạo. Trong đó, có đến 57,8% lượng gạo nhập khẩu của Philippines đến từ Việt Nam - quốc gia vẫn là nguồn cung gạo chủ yếu hàng đầu của Philippines, tương đương 576.364,3 tấn.
Theo sau là Thái Lan, với khối lượng gạo được giao là 244.059,43 tấn, Pakistan với 115.758,50 tấn và Myanmar với 53.640 tấn. Khối lượng còn lại được chia sẻ bởi Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ và Ý.
Năm ngoái, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng chủ lực này đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức cao kỷ lục 3,82 triệu tấn được ghi nhận vào năm 2022.
Kể từ đầu năm 2024, BPI đã cấp 1.403 giấy phép nhập khẩu vệ sinh và kiểm dịch thực vật cho các nhà nhập khẩu gạo được công nhận.
Trước đó, dữ liệu từ BPI cũng cho thấy, khối lượng gạo nhập khẩu của nước này gần như tăng gấp đôi trong 2 tháng đầu năm 2024, đạt tổng cộng 728.254,49 tấn, cao hơn 84,57% hoặc gần gấp đôi so với 394.553,66 tấn gạo nhập khẩu trong cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp hàng đầu cho Philippnines.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành 4 cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn là nước cung cấp gạo hàng đầu cho thị trường Philippines nhưng các thương nhân Philippines thường trả giá gạo Việt Nam khá thấp so với các bên mua khác, vì họ biết lúa Đông Xuân của Việt Nam có sản lượng lớn nên họ thường tìm tới các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đàm phán mua hàng và trả giá thấp để mua được giá rẻ. Bởi các doanh nghiệp này thường có tâm lý muốn “mua nhanh, bán nhanh”.
Riêng năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động được giá bán với khách Philippines, do từ tháng 7/2023, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, khiến giá gạo Việt Nam tăng nhanh so với các nước, trong thời gian này họ vẫn mua gạo Việt Nam rất nhiều, có lúc giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan từ 50-60 USD/tấn, Pakistan khoảng 90-100 USD/tấn họ vẫn mua, nhưng rồi họ đi tìm nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn.
“Thời điểm giá gạo Việt Nam cao nên thương nhân Philippines tìm đến gạo Thái Lan và nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn, khi một người đã đi mua hàng chỗ khác có giá rẻ hơn, sẽ có người thứ hai và người thứ ba tìm đến. Song, ưu thế gạo Việt Nam vẫn cao hơn vì độ tươi mới và mùi hương phù hợp với khẩu vị của người dân Philippines, nên gạo Việt vẫn được ưa chuộng ở thị trường này. Cho đến thời điểm này gạo Việt Nam vẫn là lựa chọn của người tiêu dùng Philippines so với gạo Thái Lan, Pakistan hay Myanmar”, ông Thành nói.
Việt Nam đang thu hoạch vụ Đông Xuân, nguồn cung dồi dào nên giá gạo 5% tấm đã xuống bằng hoặc thấp hơn Thái Lan từ 10-15 USD/tấn, trong khi Thái Lan đã kết thúc vụ thu hoạch nguồn hàng không còn nhiều nên họ chờ được giá tốt mới bán. Khoảng nửa tháng nữa Việt Nam cũng kết thúc vụ, khi đó các doanh nghiệp nào còn hàng dự trữ cũng không bán giá rẻ mà chờ được giá mới bán. Trong khi người đi mua có tâm lý lo sợ thiếu hàng, có thể họ sẽ mua trước và chấp nhận giá cao hơn thị trường một chút. Đây cũng là chuyện bình thường vì khi nguồn hàng cạn kiệt người mua sau đương nhiên phải mua cao hơn người mua trước.
Giá gạo Việt Nam đang rất cạnh tranh so với Thái Lan
“Hiện giá gạo Việt Nam đang rất cạnh tranh so với Thái Lan nên có nhiều thương nhân Philippines sang Việt Nam để mua hàng, bởi họ biết nếu không mua bây giờ thì một tháng sau sẽ không còn hàng đẹp để mua, vì gạo vụ Hè Thu chất lượng thấp hơn vụ Đông Xuân, biết vậy nên có nhiều nhà nhập khẩu Philippines tranh thủ mua hàng trong lúc này”, Giám đốc Phước Thành 4 nói.
Giá gạo loại 5% tấm thường xuất khẩu sang Indonesia dao động từ 580, 590 hoặc 600 USD/tấn, tùy thời gian giao hàng. Xuất khẩu sang thị trường Philippines thường là phân khúc gạo thơm và gạo dẻo, loại gạo này dao động từ 640-650 USD/tấn.
Trong báo cáo Thương mại và Thị trường Thế giới mới nhất, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, Philippines vẫn là nước nhập khẩu mặt hàng chủ lực hàng đầu trên thị trường quốc tế và dự báo sẽ nhập khẩu 4,1 triệu tấn vào năm 2024. Tuy nhiên, USDA dự kiến sản lượng gạo nội địa của Philippines sẽ đạt 12,125 triệu tấn trong năm nay, cao hơn một chút so với dự báo trước đó là 12 triệu tấn.
USDA cho rằng, sự gia tăng sản xuất là do chính phủ tài trợ bổ sung cho ngành này và do nông dân tăng cường sử dụng phân bón và hạt giống lai. Trong khi đó, diện tích thu hoạch dự kiến giữ nguyên ở mức 4,8 triệu ha. Về tiêu dùng, USDA dự báo tiêu thụ gạo sẽ tăng lên 19,6 triệu tấn cho năm tiếp thị 2024 - n2025 phù hợp với tốc độ tăng trưởng dân số của Philippines.
Trong khi đó, giá gạo sẽ vẫn tăng do hiện tượng thời tiết El Nino và tình hình thị trường toàn cầu, USDA cho biết.