Mới đây Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.
Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Tổng kim ngạch XNK đạt gần 800 tỷ USD
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Được biết, rong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%).
Trong năm 2024, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Đáng chú ý, xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.
Trong các thị trường lớn, xuất khẩu sang Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%); xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (18,9%) cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%).
Năng lực sản xuất và thị trường trong nước hồi phục
Theo các thông tin báo cáo của ngành Công thương, trong năm qua, sản xuất công nghiệp trong nước cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Phòng vệ thương mại cũng đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc (gần 9%), ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.