Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, tháng 2/2024, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng 22% về khối lượng và tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023 trong khi nhập khẩu từ Ecuador giảm 24% về khối lượng và giảm 35% về giá trị so với cùng kỳ.
Tăng nhập từ Việt Nam, giảm nhập từ Ecuador
Trong 2 tháng đầu năm nay, 5 nguồn cung cấp tôm hàng đầu cho Trung Quốc lần lượt là: Ecuador, Ấn Độ, Argentina, Thái Lan và Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 157.377 tấn tôm, trị giá 743 triệu USD, tăng 19% về lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này do Tết Nguyên Đán rơi vào ngày 10/2/2024 (trong khi năm 2023 là 22/1). Tuy vậy, giá nhập khẩu tôm trung bình vẫn giảm. Trong tháng 2, giá giảm 12% xuống 4,68 USD/kg. Tính riêng tháng 2/2024, Trung Quốc nhập khẩu 60.233 tấn tôm, trị giá 282 triệu USD, giảm 15% về lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ecuador vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 73% tổng giá trị nhập khẩu, với 114.717 tấn, trị giá 510 triệu USD, tăng 20% về lượng và 2% về giá trị. Giá trung bình giảm 15% xuống 4,45 USD/kg.
Nhập khẩu tôm Ấn Độ và Thái Lan vào thị trường Trung quốc cũng tăng trưởng 2 con số trong 2 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, Ấn Độ tăng 25% về lượng với 22.156 tấn và 12% về giá trị với 111 triệu USD. Nhập khẩu tôm Thái Lan tăng 61% về lượng và 48% về giá trị.
Dù khối lượng tôm nhập khẩu vào Trung Quốc tăng trong 2 tháng đầu năm nhưng giá trung bình nhập khẩu giảm mạnh. Giá nhập khẩu tôm từ cả Ecuador và Ấn Độ đã tăng từ tháng 8 - 11/2023 nhưng sau đó giảm trở lại. Giá trung bình nhập khẩu tôm từ Ecuador trong 2 tháng đầu năm giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,36 USD/kg.
Đối với Ấn Độ, giá trung bình giảm xuống 5,67 USD/kg trong tháng 1/2024 và giảm xuống 5,38 USD/kg trong tháng 2/2024, chỉ ở trên điểm thấp nhất của tháng 8/2023.
Nhu cầu tôm của Trung Quốc dự báo tăng
Ecuador – nguồn cung tôm hàng đầu cho Trung Quốc hy vọng xuất khẩu sang thị trường này sẽ sớm bình thường trở lại sau khi một số nhà máy bị tạm dừng và các container bị từ chối do hàm lượng natri metabisulfite cao hơn mức cho phép - một chất bảo quản thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm để ngăn chặn quá trình oxy hóa. Song, lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc lại tiếp tục giảm trong tháng 2 một phần do Trung Quốc tăng cường kiểm tra tại cảng với tôm Ecuador, đặc biệt là các quy định về nhãn mác và dư lượng chất sulfite.
GACC cho biết, có tổng cộng 43 container tôm Ecuador đã bị từ chối nhập khẩu vào Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay, do hàm lượng sulfite vượt mức cho phép. Trong số 43 container này, có 34 container là do sử dụng quá nhiều phụ gia thực phẩm.
Đồng thời, những trường hợp bị từ chối còn lại được cho là do hồ sơ không thống nhất, “nitơ cơ bản dễ bay hơi” quá mức hoặc bệnh động vật. Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA) cho biết, chỉ có 9 trong số 6.000 container được vận chuyển đến Trung Quốc tính từ đầu năm đến 19/4/2024 được phát hiện có dư lượng sulfite tối đa trên mức cho phép.
“Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tất cả các sản phẩm bị loại sẽ được trả lại hoặc tiêu hủy tại cảng nhập cảnh”, đại diện GACC nhấn mạnh.
Vấn đề hàm lượng sulfite vượt mức cho phép trong tôm Ecuador lần đầu tiên bị Hải quan Trung Quốc phát hiện ngày 19/2 sau khi một blogger nổi tiếng phát hiện ra hàm lượng chất bảo quản cao trong các sản phẩm được bán trên nền tảng thương mại điện tử phổ biến.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), căng thẳng biển Đỏ làm cước vận tải biển tăng, Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm từ Ecuador nói riêng và khu vực châu Mỹ, châu Âu nói chung và chuyển sang nhập hàng từ những thị trường gần như Việt Nam.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành Tôm VASEP cho biết, tính tới ngày 15/3/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 104 triệu USD, tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh. Các sản phẩm tôm chế biến chủ yếu của Việt Nam được ưa chuộng ở Trung Quốc như há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh… Nhu cầu tôm của Trung Quốc cũng được dự báo tăng khi các ngày lễ Tết Thanh Minh (4/4) và Quốc tế lao động (1/5) đang đến gần.