Philippines vẫn giữ vững ngôi vị số 1 về nhập khẩu gạo Việt Nam
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1.124.449 tấn, trị giá 709,602 triệu USD, so với tháng 02/2024 tăng 99,7% về lượng và tăng 90,1% về kim ngạch. Lũy kế, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 2.182.033 tấn, đạt giá trị 1,426 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Top các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam lần lượt là: Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Trong 4 thị trường chỉ duy nhất Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu, 3 thị trường còn lại đều tăng trưởng rất tốt.
Cụ thể, tháng 3, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 511.204 tấn, trị giá 312 triệu USD, tăng 4,05% về lượng và tăng 26,93% về giá trị so với tháng 3/2024. Lũy kế, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 1.011.399 tấn, trị giá 649 triệu USD, tăng 13,22% về lượng và tăng 44,08% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai - Indonesia đạt 226.161 tấn, trị giá 143,365 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 445.326 tấn, trị giá 285,055 triệu USD, tăng 2,99 lần về lượng và tăng 4,08 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Malaysia đứng thứ ba với lượng gạo xuất khẩu đạt 60.661 tấn, và kim ngạch 36,854 triệu USD. Cộng dồn 3 tháng đầu năm đạt 98.971 tấn, trị giá 61,551 triệu USD, tăng 28,84% về lượng và tăng 60,61% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lớn thứ tư là Trung Quốc với lượng gạo xuất khẩu trong tháng 3 đạt 62.454 tấn, đạt giá trị 37,054 triệu USD, giảm 66,73% về lượng và giảm 66,02% về kim ngạch so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo sang Trung Quốc được 81.648 tấn, đạt kim ngạch 48,186 triệu USD, giảm 76,01% về khối lượng và giảm 75,79% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Phước Thành 4 - doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu sang thị trường Philippines, một số nước Trung Đông và Trung Quốc, vì vậy có thể nói ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành 4 rất am hiểu về thị trường này.
Theo ông Thành, tính đến thời điểm này Việt Nam vẫn là nguồn cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines. Tại thị trường Philippines, gạo Việt Nam có ưu thế lớn so với các nguồn cung khác nhờ vào chất lượng và độ tươi mới của hạt gạo, phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng. Nhờ vậy, người dân Philipines vẫn ưu tiên lựa chọn gạo Việt Nam cho các bữa ăn hàng ngày của họ so với gạo Thái Lan, Pakistan hay Myanmar.
Tuy nhiên, thương nhân Philippines thường trả giá gạo Việt Nam khá thấp, nhất là khi đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, vì họ biết đây là vụ lúa có sản lượng lớn nhất trong năm nên hầu hết doanh nghiệp đều muốn xoay nhanh đồng vốn, cần tiền để mua lúa vào nên mong muốn bán ra. Đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nguồn lực tài chính hạn hẹp, thường có tâm lý mua nhanh, bán nhanh có thể mua được giá rẻ, tuy nhiên đối với một số doanh nghiệp lớn nếu thấy giá cả chưa phù hợp họ sẽ không bán và chờ đàm phán giá tốt nhất mới đồng ý bán ra.
Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, Philippines có thể nhập khẩu 4 triệu tấn gạo trong năm nay thay vì dự báo trước đó là 4,1 triệu tấn do “sản xuất trong nước sẽ bù đắp cho sự gia tăng nhẹ trong sản xuất”.
3 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm đến 76,01%
Dẫn từ Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ngày 09/04 giá chào trên thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan như sau: Loại gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan gần như tương đương có giá lần lượt là 576 USD/tấn và 572 USD/tấn, riêng gạo Pakistan giá cao nhất 591 USD/tấn. Loại gạo 25% tấm của Việt Nam chào ở mức 554 USD/tấn, Thái Lan: 528 USD/tấn, Pakistan: 594 USD/tấn.
Theo thông tin từ ông Thành hiện có nhiều thương nhân nước Trung Quốc sang mua gạo Việt Nam để bù đắp cho lượng gạo dự trữ quốc gia của Trung Quốc được cho là thấp hơn từ 5 đến 7% so với các năm trước. Khi giá gạo Việt Nam tăng cao thương nhân Trung Quốc giảm mua, nhưng nay giá gạo Việt Nam khá cạnh tranh so với các nguồn cung khác họ sẽ tăng cường mua vào, vì người dân Trung Quốc rất ưa thích các loại gạo dẻo và gạo thơm của Việt Nam, như gạo RVT có chất lượng tương đương với một giống gạo thơm của Trung Quốc nên được người tiêu dùng ưa chuộng và thứ hai là gạo ST25.
“Gạo RVT đang xuất khẩu rất tốt sang Trung Quốc với giá bán dao động từ 650 - 700 USD/tấn, gạo ST25 có giá bán gần 900 USD/tấn”, ông Thành nói.
Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng nếu lượng gạo dự trữ Trung Quốc đang thiếu hụt từ 5 đến 7% là sự thật, và giá gạo Việt Nam đang khá cạnh tranh sẽ là các yếu tố thu hút thương nhân Trung Quốc tăng mua.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ nhập khẩu gạo từ Việt Nam mà họ còn nhập khẩu gạo từ Myanmar và Campuchia. Đây là hai thị trường được Chính phủ Trung Quốc ưu ái về mặt thuế quan và các điều kiện thương mại khác, với gạo Việt Nam chỉ khi nào thiếu hụt họ mới mua và mua các loại gạo mà họ cần. Tuy vậy, thời gian qua các thương nhân Trung Quốc vẫn mua đều đặn gạo từ Việt Nam.