Chia sẻ tham luận "Triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam - Thách thức và cơ hội" tại diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 16/11, TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG đề cập tới vấn đề tái cấu trúc kinh tế hướng theo kinh tế xanh, và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Vị này nêu ví dụ dễ thấy là trong năm 2023, đơn hàng ngành dệt may xuất khẩu sang các nước phát triển rất khó khăn, do kinh tế thế giới khó khăn; kinh tế xanh được đề cao ở các nước, đặc biệt Châu Âu. Điều này đồng nghĩa, họ yêu cầu dùng nguyên liệu tái chế, quy trình bảo vệ người lao động… Như vậy, sẽ làm chi phí của doanh nghiệp càng cao hơn.
“Có 3 yếu tố ảnh hưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam, đó là tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, phi toàn cầu; phi toàn cầu hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng”, ông Ái nêu.
Về tái cấu trúc kinh tế toàn cầu, có thể thấy dấu hiệu là xu hướng xe điện lên ngôi, xu hướng bảo vệ môi trường dùng xe điện, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng phát triển lĩnh vực này. Tại Việt Nam đang có những dự án sử dụng năng lượng LNG bên cạnh mặt trời, gió. Lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng rõ ràng hơn, chúng ta thấy đơn hàng có thể phục hồi một phần, song xu hướng tương lai là dệt may Việt Nam không lặp lại sự thành công và phát triển như trước đây.
Còn với phi toàn cầu hóa, Mỹ và Châu Âu nhận ra toàn cầu hóa không mang lại an toàn cho nền kinh tế của họ, họ cho rằng cần kéo dòng vốn trở lại, phải đảm bảo nền kinh tế có sự độc lập nhất định. Theo đó, đang có xu hướng phi toàn cầu hóa. Đây là một yếu tố có thể hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và nhiều nước khác.
“Tuy vậy, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia… nổi lên như những địa chỉ đầu tư “sáng". Với tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta xác nhận Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng lợi. Các khu công nghiệp ở miền Bắc hưởng lợi lớn nhất do các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan… đầu tư nhiều hơn. Các khu công nghiệp miền Bắc hưởng lợi nhờ sự tiện lợi với nhà đầu tư Trung Quốc cho việc di chuyển, vận chuyển nguyên vật liệu, giao thông…”, chuyên gia KPMG đánh giá.
9 tháng đầu năm, FDI vào Việt Nam ghi nhận tăng 7,7%. Chuyên gia này nhận định đây là con số đáng khích lệ do nền kinh tế Việt Nam trải qua quá trình khó khăn nhất từ trước đến nay. Dự kiến 3 tháng cuối năm, dòng vốn FDI còn tăng cao. Trong năm 2023, các nhà đầu tư từ Bắc Á, đặc biệt Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chuyên gia này kỳ vọng nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Về ngành nghề, ông Ái cho rằng vốn FDI sẽ tập trung mạnh ở công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản. KPMG đánh giá sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn FDI giữa các tỉnh thành phía Bắc. Bắc Ninh được biết đến thuộc các tỉnh phát triển công nghiệp thuộc nhóm số 1, nhưng giờ dòng vốn FDI đang có xu hướng đổi sang Bắc Giang.
Mặt khác, còn có sự đổi ngôi giữa các địa phương khi TP. Hồ Chí Minh vẫn đóng góp vai trò quan trọng, nhưng giảm dần. Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu có vai trò lớn hơn vì đất Đồng Nai và Bình Dương không còn nhiều nữa.
“Chúng tôi nhìn nhận trong xu hướng 10 năm, FDI vẫn tập trung nhất ở phía Bắc, còn phía Nam sẽ tập trung ở các ngành nghề công nghệ cao, chế biến, chế tạo…”, ông Ái đề cập.
Trong các yếu tố FDI quyết định rót vốn, khảo sát của KPMG với 200 doanh nghiệp FDI, xếp theo thứ tự ưu tiên, yếu tố đầu tiên là vị trí khu công nghiệp (đường giao thông gần cảng hàng không…), nguồn nhân lực. Tiếp đến là hạ tầng điện nước, việc 1 tuần mất điện 1 tiếng/ngày, hoặc ví dụ thiếu điện như thời gian qua ảnh hưởng rất lớn niềm tin nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ lo lắng nếu không có điện sao có thể sản xuất, do đó cần đảm bảo nguồn điện ổn định.
Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng tiếp theo là mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương; cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm; yếu tố giá; dịch vụ quản lý tốt; sản xuất công nghiệp với môi trường hoạt động của các KCN tạo ra hệ sinh thái phù hợp, với các KCN kết hợp dịch vụ; chính sách ưu đãi; và cuối cùng là mối quan hệ Việt Nam với các nước xuất khẩu FDI.
Về mô hình KCN, xu thế sẽ là mô hình sinh thái – xu hướng của thế giới; KCN đô thị dịch vụ - công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; KCN thông minh là bắt buộc, quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải cần thông minh; KCN tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.
Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong những năm tới
Đối với triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Chuyên gia KPMG nhìn nhận, các ngành thu hút FDI sẽ là công nghiệp ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp bán dẫn, logistics, thực phẩm và đồ uống. KPMG dự báo các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong những năm tới.
Với những chia sẻ nêu trên, chuyên gia KPMG đề xuất Chính phủ cần có chiến lược FDI quốc gia, cần áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu phức tạp; nâng cao năng lực cạnh tranh với cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics, năng lượng, viễn thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác thiết yếu cho việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần tạo ra một khung pháp lý, hệ thống thuế, chế độ tỷ giá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác thuận lợi cho đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống tham nhũng và quan liêu, đảm bảo minh bạch và trách nhiệm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường tính minh bạch trong giải quyết tranh chấp và khiếu nại, nâng cao giám sát và đánh giá tác động của các dự án FDI. Xúc tiến doanh nghiệp khi tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Điều này bao gồm tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa kiến thức, tiếp cận thị trường, phát triển nhà cung cấp, phát triển nguồn nhân lực và các hình thức hợp tác khác. Phát triển nguồn nhân lực khi triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.